Mượt mà giai điệu dân ca của đồng bào Gié-Triêng
Cộng đồng dân tộc Gié-Triêng có nguồn gốc từ Lào. Nhưng tổ tiên người Gié-Triêng đã sinh sống chủ yếu ở các huyện Nam Giang (tỉnh Quảng Nam) và Đăk Glei, Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum). Qua bao đời nay, người Gié-Triêng vẫn lưu giữ nhiều vốn văn hóa quý, trong đó có âm nhạc truyền thống và đặc biệt là giá trị của các làn điệu dân ca. Dù trải qua nhiều thăng trầm, nhưng sinh hoạt hát dân ca vẫn được đồng bào Gié-Triêng duy trì, lưu giữ và truyền dạy từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Bắt nguồn từ hơi thở cuộc sống
Hát dân ca là kết quả tuyệt vời của sự sáng tạo trong đời sống tinh thần đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào dân tộc Gié-Triêng nói riêng. Các bài hát dân ca thường bắt nguồn từ hơi thở của cuộc sống và gắn liền với đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất của người dân. Mỗi dân tộc lại có rất nhiều bài dân ca mang sắc thái riêng của dân tộc mình, với chất liệu âm nhạc dân gian khác nhau, độc đáo, phong phú và cùng với quá trình lao động sản xuất, chúng đã trở thành tiếng nói riêng của họ.
Các bài hát dân ca của đồng bào dân tộc Gié-Triêng ngoài giá trị văn học, âm nhạc, còn có giá trị về lịch sử xã hội và dân tộc. Hầu hết những ai biết hát dân ca của dân tộc Gié-Triêng cũng có khả năng ứng tác. Người hát có thể vận vào các làn điệu sẵn có để trở thành những bài hát dân ca hay hơn. Những bài dân ca luôn ngắn gọn, mộc mạc, dễ nhớ, dễ thuộc, từng lời hát như nhắc nhở người Gié-Triêng phải biết về cội nguồn của mình, phải sống đoàn kết cùng cộng đồng, để dân làng thương, dân làng quý... Đặc biệt hơn, những bài hát dân ca đó lại được sự hỗ trợ của các loại nhạc cụ đệm như đàn T’rưng, đàn Klông Put, Ting Ning, Goong... mang lại cho bài dân ca thêm bay bổng, lan tỏa, tạo nên một không gian văn hóa đặc sắc, huyền ảo. Sự phong phú, đa dạng, sự hấp dẫn ở cả nội dung lẫn hình thức nghệ thuật trong các bài hát dân ca của người Gié-Triêng đã góp phần tạo nên sự đa dạng trong sắc màu văn hóa các dân tộc thiểu số ở Kon Tum.
Theo anh A Khanh, một “nghệ sĩ núi rừng” của dân tộc Gié-Triêng, trú tại thôn Đăk Wấk, xã Đắk Kroong, huyện Đắk Glei, ca hát là nhu cầu phổ biến trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số ở Kon Tum. Những bài dân ca mang nhiều nội dung sinh động, đi sâu vào nhiều lĩnh vực và phản ánh cuộc sống lao động sản xuất, sinh hoạt văn hóa, tình yêu lứa đôi, đấu tranh giai cấp và nhiều nhất là tình yêu thôn làng, yêu thiên nhiên. Với họ, hát dân ca như lẽ sống, như nhịp sinh tồn của con người, như miếng cơm nướng thơm trong ống nứa trên bếp lửa hồng, như bầu nước suối trong mát, ngọt lành không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày.
Từ xa xưa đến nay, tuy cuộc sống của đồng bào Gié-Triêng còn nhiều khó khăn, nhưng với tinh thần lạc quan, yêu đời, bà con Gié-Triêng ở khắp các buôn làng vẫn say mê sáng tác và hát dân ca. Họ có thể hát trên đường đi, hát trong lễ hội, hát khi làm việc, hát ru con ngủ, hát trong lúc vui chơi, hát trong cả đám tang... Có thể nói, tất cả các làn điệu dân ca của người Gié-Triêng trên địa bàn tỉnh Kon Tum dù là hát tập thể, đối đáp hay đơn lẻ thì lời hát đều thổ lộ tâm tình, ca ngợi tình yêu quê hương, buôn làng, tình yêu đôi lứa, sự thủy chung và khát vọng về cuộc sống hạnh phúc.
Cần bảo tồn và lưu giữ
Trải qua bao thăng trầm, người Gié-Triêng vẫn lưu giữ nhiều vốn văn hóa quý, trong đó có kho tàng âm nhạc dân gian, các loại nhạc cụ truyền thống làm bằng tre, nứa khác nhau như: đàn T’rưng, đàn Klông Put, sáo Đinh Tút..., đặc biệt là các bài hát dân ca cổ. Đó là món ăn tinh thần dân dã, hằn sâu trong tâm thức, trong máu thịt của mỗi con người khi lớn lên; đặc biệt là khả năng ứng tác, mọi thứ đều có thể vận vào làn điệu có sẵn, dù những nội dung mới nhưng vẫn rất có vần, có điệu.
Đơn cử như bài dân ca cổ "Nênh dẹt" (bài hát về lễ cưới của người Gié-Triêng), là bài dân ca được người dân yêu thích và cũng được biết đến nhiều nhất. Trong lễ cưới, mẹ cô dâu và bố chú rể, hai người đại diện cho nhà gái và nhà trai hát chúc cho người già sống lâu; chúc cô dâu, chú rể có lúa, có thóc, thương yêu nhau suốt đời. Lối hát này thường đem lại tiếng cười vui vẻ cho mọi người, bởi xen lẫn những lời hay, lời đẹp còn có những câu vui nhộn, trêu đùa, mang lại niềm vui cho đám cưới. Hay như bài dân ca “Dệt vải” được gắn liền với nghề dệt thổ cẩm phụ nữ Gié- Triêng từ thuở xa xưa. Trong lúc dệt vải, họ thường ngân nga đôi làn điệu dân ca để quên đi mệt mỏi, cổ vũ tinh thần lao động cũng như truyền dạy cho con cháu biết cách hát dân ca.
Tuy nhiên, một trong những khó khăn trong việc bảo tồn và lưu giữ các làn điệu dân ca cổ là hầu hết chúng được lưu giữ bằng hình thức truyền miệng. Kho tàng lưu giữ chính là ở những người lớn tuổi, nhưng những “cây đại thụ” - nghệ nhân gạo cội trong nền văn hóa đều đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, sức khỏe và trí nhớ hạn chế. Điều này gây nhiều khó khăn cho công tác sưu tầm, bảo tồn và phát triển các bài hát dân ca, nhất là trong điều kiện hiện nay, khi giới trẻ đang thờ ơ với âm nhạc và nghệ thuật truyền thống...
Trước nguy cơ mai một này, để góp phần quan trọng vào việc bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Gié-Triêng, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo ngành văn hóa phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các văn bản về văn hóa dân tộc; triển khai nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng một số loại hình văn hóa phi vật thể; tăng cường công tác xã hội hóa, huy động người dân trong bảo tồn văn hóa, đồng thời, tăng cường công tác quảng bá, nâng cao nhận thức về dân ca, dân vũ trong cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ dưới nhiều hình thức như trao đổi, truyền dạy trực tiếp, sử dụng băng, đĩa, sách, báo và phổ biến bằng nhiều phương tiện truyền thông đại chúng; tổ chức giao lưu, liên hoan, biểu diễn giữa các cộng đồng ở trong tỉnh, đưa dân ca vào nội dung sinh hoạt liên hoan, ngày hội văn hóa hàng năm và các chương trình văn hóa, văn nghệ trong những dịp lễ lớn của tỉnh Kon Tum...
Hy vọng, với tất cả những nỗ lực trên sẽ góp phần làm cho các loại hình dân ca mãi âm vang, trường tồn, tô thắm thêm bức tranh văn hóa tươi đẹp của người Gié-Triêng trên đại ngàn Tây Nguyên; qua đó, góp phần xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng của địa phương ngày càng phong phú, đa dạng để thu hút du khách trong nước, quốc tế về với Kon Tum.