Musk là 'ngoại lệ' của ông Trump
Tỷ phú Elon Musk không ngần ngại công khai những quan điểm khác biệt với các cố vấn của Tổng thống Mỹ Donald Trump, song ông chủ Nhà Trắng dường như không mấy quan tâm.

Tỷ phú Elon Musk và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Mỹ Donald Trump nổi tiếng là người chọn những cố vấn tuân thủ chặt chẽ yêu cầu của mình, nên sẵn sàng thẳng tay sa thải những cá nhân không đáp ứng. Song theo Politico, tỷ phú Elon Musk dường như là ngoại lệ của quy tắc này, khi ông Musk ngày càng táo bạo, sẵn sàng thể hiện những quan điểm trái ngược với ông Trump và các cố vấn.
Đảng Dân chủ luôn tìm cách chia rẽ hai bên, gọi ông Musk là "Tổng thống Elon" nhằm chọc tức ông Trump, người vốn ghét bị "chiếm spotlight". Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng vẫn hài lòng và ca ngợi ông Musk, mặc dù vị tỷ phú thu hút sự chú ý lớn so với các trợ lý cấp cao khác, thậm chí là hơn cả các thành viên trong nội các tổng thống.
Cuộc chiến thuế quan
Ông Musk nhắm vào Cố vấn thương mại Peter Navarro, một trong những gương mặt đại diện cho chính sách thuế quan của chính quyền Trump. Kể từ cuối tuần trước, ông chủ Tesla nhiều lần tấn công ông Navarro trên nền tảng X, trong đó chế giễu một video ông Navarrro giải thích logic đằng sau chính sách thuế quan.
Quy định mới từ Nhà Trắng đã gây chấn động thị trường và khởi động một cuộc chiến thương mại toàn cầu. Ông Musk - CEO nhiều công ty nhập khẩu nhiều sản phẩm từ Trung Quốc - đã mất hàng tỷ USD. Ngoài ra, ông cũng hy vọng một ngày nào đó Mỹ và Liên minh châu Âu sẽ đạt thỏa thuận thuế quan bằng 0. Do đó, ông Musk trút sự thất vọng lên ông Navarro, gọi cố vấn thương mại là "kẻ ngốc".
Thư ký Báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt đã bác bỏ những thông tin xoay quanh sự việc: "Đàn ông mà, chúng tôi sẽ để họ tiếp tục đấu khẩu công khai".

Tỷ phú Elon Musk không ngần ngại công khai những quan điểm khác biệt với các cố vấn của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters.
NASA
Trong tuần qua, ông Musk cũng lên tiếng về các báo cáo trong đó Văn phòng Quản lý và Ngân sách đề xuất cắt giảm lớn nguồn tài trợ của NASA.
"Thật đáng lo ngại", ông viết, đồng thời nói thêm dù "rất ủng hộ khoa học", ông "không thể tham gia thảo luận về ngân sách của NASA, vì SpaceX là nhà thầu chính của NASA".
CEO của SpaceX từ lâu có mối quan hệ chặt chẽ với Jared Isaacman, lãnh đạo NASA. Ngoài ra, công ty Shift4 của ông Isaacman cũng đầu tư vào SpaceX của ông Musk.
Nội các
Ông Musk công khai can thiệp vào công việc của nội các tổng thống. Mặc dù không phải thành viên chính thức của nội các, ông Musk đã tranh cãi với Ngoại trưởng Marco Rubio về cách xử lý các khoản cắt giảm cho Bộ Ngoại giao.
"Elon và Marco có mối quan hệ tốt đẹp. Mọi thông tin trái ngược với điều này đều là tin giả", ông Trump viết trên Truth Social.
Sau khi ông Musk gây hoang mang cho hàng loạt cơ quan hành chính liên bang, ông Trump trấn an các thành viên nội các rằng mặc dù ông Musk được phép đưa ra các khuyến nghị, vị tỷ phú không được đơn phương thay đổi hiện trạng.
Ông Musk cũng thúc đẩy ông Howard Lutnick lãnh đạo Bộ Tài chính. Sau cùng, tổng thống Mỹ chọn ông Scott Bessent làm người đứng đầu Bộ Tài chính, nhưng chọn ông Lutnick làm bộ trưởng Thương mại.
Đảng Cộng hòa
Ông Musk tham gia cuộc chiến về quyền lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện. Khi cuộc đua ngày càng nóng hồi tháng 11/2024, ông Musk quyết định ủng hộ ứng viên Rick Scott từ Florida, ngay cả khi bản thân ông Trump tỏ ra mập mờ. Vị tổng thống chỉ tuyên bố mọi thượng nghị sĩ muốn chiến thắng phải "đồng ý với mong muốn bổ nhiệm trong kỳ nghỉ" để đẩy nhanh quá trình các ứng viên được đề cử gia nhập nội các.
"Rick Scott cho vị trí lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện!", ông Musk viết. Trong một bài đăng khác, ông chủ Tesla khẳng định việc Thượng nghị sĩ John Thune, một ứng viên khác, chiến thắng là "lựa chọn hàng đầu của đảng Dân chủ".
Trên toàn cầu
Ông Musk lên tiếng về các cuộc bầu cử trên toàn thế giới, ủng hộ danh sách các ứng viên theo chủ nghĩa cánh hữu ở một số quốc gia châu Âu trong vài tháng qua. Đây được xem là động thái rất bất thường với người được coi là đồng minh thân cận của tổng thống Mỹ.
Ông Musk gây dậy sóng dư luận sau khi nhiều lần ủng hộ đảng cực hữu Alternative for Germany của Đức trong cuộc bầu cử diễn ra vào mùa đông vừa qua, đồng thời bị chỉ trích can thiệp vào nền dân chủ nước ngoài. Song ông Musk không vì thế mà e ngại, thậm chí còn trò chuyện với lãnh đạo AfD và ứng viên cho chức thủ tướng Alice Weidel.
Ông Musk còn xuất hiện trực tuyến tại một buổi mít tinh của đảng AfD vài ngày sau khi ông Trump nhậm chức, trong đó khuyến khích người Đức bỏ phiếu cho bà Weidel và "bước tiếp" khỏi "tội lỗi trong quá khứ", ám chỉ đến lịch sử của đảng Quốc xã.
Tỷ phú này cũng chỉ trích Thủ tướng Anh Keir Starmer, một cá nhân được lòng ông Trump. Ngược lại, ông từng ủng hộ Nigel Farage, nhà lãnh đạo cải cách chống nhập cư, trong thời gian ngắn.
Nguồn Znews: https://znews.vn/musk-la-ngoai-le-cua-ong-trump-post1545502.html