Vì sao Israel không muốn Thổ Nhĩ Kỳ sở hữu F-35?
Theo tờ Middle East Eye, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã bí mật vận động Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio ngăn chặn mọi thương vụ bán F-35 cho Ankara.
Trước đây, Ankara từng là đối tác của chương trình phát triển F-35 và có kế hoạch mua tới 100 chiếc.
Tuy nhiên, sau khi Thổ Nhĩ Kỳ tiếp nhận hệ thống phòng không S-400 từ Nga vào năm 2019, Mỹ đã loại nước này khỏi chương trình, cấm mua F-35 và áp đặt các lệnh trừng phạt đối với ngành công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ. Gần đây, Ankara chỉ còn đặt mục tiêu mua khoảng 40 chiếc F-35.

Máy bay chiến đấu F-35 Lightning II của Israel trong một buổi trình diễn hàng không ở Tel Aviv, ngày 26/4/2023. (Nguồn: Getty Images)
Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng lệnh cấm sẽ được dỡ bỏ nếu đạt được thỏa thuận với Mỹ về hệ thống S-400. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan từng tuyên bố, Ankara sẵn sàng ký các hợp đồng mua vũ khí trị giá 20 tỷ USD từ Mỹ nếu Washington dỡ bỏ lệnh cấm.
Thế nhưng, sự phản đối của Israel có thể trở thành rào cản lớn, ngay cả trong trường hợp Washington và Ankara tìm được tiếng nói chung về vấn đề S-400.
Rạn nứt quan hệ sau vụ Mavi Marmara
Quan hệ giữa Israel và Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu xấu đi từ năm 2010, sau vụ biệt kích Israel tấn công tàu cứu trợ Mavi Marmara đang trên đường đến Dải Gaza, phá vỡ lệnh phong tỏa khu vực này. Vụ việc khiến 9 nhà hoạt động thiệt mạng, phần lớn là công dân Thổ Nhĩ Kỳ.
Dù quan hệ hai nước từng có lúc được cải thiện, xung đột bùng phát ở Dải Gaza sau cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7/10/2023 đã khiến mối quan hệ rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều năm.
Tại Syria, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang đối đầu trực tiếp. Ankara muốn duy trì hiện diện quân sự tại Syria dưới sự chấp thuận của chính quyền Damascus mới, điều mà Israel coi là mối đe dọa chiến lược. Đáp lại, Israel đã tiến hành không kích vào các căn cứ quân sự Syria, nơi Ankara dự định triển khai máy bay không người lái và hệ thống phòng không.
Hiện hai bên đang đàm phán tại Azerbaijan nhằm tránh va chạm trực tiếp, một cơ chế từng được Israel và Nga thiết lập sau khi Moscow can thiệp vào Syria năm 2015. Dù vậy, Israel vẫn coi sự hiện diện quân sự lâu dài của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền trung Syria là mối nguy cơ chiến lược.
Trước vụ Mavi Marmara, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ từng có mối quan hệ quân sự khăng khít. Trong thập niên 1990 và 2000, Israel từng giúp Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại hóa các tiêm kích F-4 và xe tăng M60. Phi công Israel cũng được phép huấn luyện trong không phận Thổ Nhĩ Kỳ.
Thậm chí từ những năm 1950, Israel đã coi Thổ Nhĩ Kỳ là một phần trong chiến lược "Liên minh ngoại vi", tìm kiếm quan hệ với các quốc gia không thuộc các nước Arab.
Khi đó, việc Thổ Nhĩ Kỳ sở hữu F-16 hay Iran mua F-14 không bị Israel xem là mối đe dọa. Mối quan tâm chính của Tel Aviv khi ấy là duy trì ưu thế quân sự trước các quốc gia Arab.
Lợi thế quân sự và vai trò của Mỹ
Sau hiệp định hòa bình với Ai Cập năm 1979, Israel trở thành đồng minh quan trọng của Mỹ và được tiếp cận nhiều loại vũ khí tối tân. Tuy vậy, Washington vẫn áp dụng giới hạn đối với những khí tài tiên tiến nhất, như tiêm kích F-15 hay tên lửa tầm xa AIM-120 AMRAAM, nhằm bảo đảm cho Israel một "lợi thế quân sự định tính" (QME) so với các nước láng giềng.
Đạo luật bảo vệ QME của Israel đã được hợp pháp hóa tại Mỹ từ năm 2008. Trước đây, Mỹ từng từ chối bán F-15 cho Ai Cập để giữ thế thượng phong cho Israel, dù sau này đã có những điều chỉnh khi Israel đưa F-35 vào biên chế.
Washington từng phớt lờ lo ngại của Israel để bán vũ khí tiên tiến cho Saudi Arabia và UAE, song các thương vụ này luôn vấp phải sự phản đối. Ngày nay, Israel tỏ ra đặc biệt lo ngại với sức mạnh quân sự ngày càng tăng của những quốc gia không thuộc thế giới Arab, như Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.
Israel từng phản đối việc Nga bán hệ thống phòng không S-300 cho Iran và đã tiến hành các cuộc không kích nhằm vào hệ thống này trong các chiến dịch quân sự gần đây.
Năm 2024, sau khi các lực lượng đối lập ở Syria lật đổ chế độ Assad và đẩy lùi ảnh hưởng của Iran khỏi quốc gia này, vai trò chiến lược của Ankara trong khu vực trở nên rõ nét hơn bao giờ hết.
Ủy ban Nagel cố vấn cho chính phủ Israel, đã cảnh báo rằng mối đe dọa từ Syria có thể còn lớn hơn cả Iran, nếu Thổ Nhĩ Kỳ thiết lập hiện diện quân sự lâu dài tại đây.