Musk tuyên bố lập đảng mới, 'chế tạo tên lửa có lẽ còn dễ hơn'
Bất chấp tuyên bố lập đảng mới nếu Quốc hội Mỹ thông qua siêu dự luật của ông Trump, tỷ phú Elon Musk sẽ phải đối mặt với hàng rào pháp lý và chính trị phức tạp, đến mức CNN ví chế tạo tên lửa có thể còn dễ hơn.

Tỷ phú Elon Musk đã sáng lập thành công nhiều công ty với thành tựu công nghệ đáng kinh ngạc. Tuy nhiên, tham vọng mới nhất của ông có thể là thử thách lớn nhất từ trước đến nay: Thành lập đảng chính trị mới ở Mỹ.
Dẫn lý do thất vọng với Tổng thống Donald Trump và dự luật chính sách nội địa tốn kém khổng lồ, Musk tuyên bố sẽ thành lập “đảng Mỹ” nếu dự luật "To lớn và Tươi đẹp" được Quốc hội thông qua.
Ông gọi đảng Dân chủ và Cộng hòa là “đảng hợp nhất”, bởi thâm hụt ngân sách của chính phủ đã gia tăng mạnh dưới thời cả hai đảng cầm quyền, theo CNN.
Musk cho biết ông muốn xây dựng một đảng bảo thủ về mặt tài chính, kiểm soát chi tiêu, dù chưa đưa ra chi tiết cụ thể nào khác về cương lĩnh của đảng mới này.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng có lý do khiến chưa có đảng thứ ba nào thực sự thách thức được hệ thống hai đảng tại Mỹ: Việc thành lập đảng mới rất khó khăn về mặt tài chính và pháp lý, đồng thời cả cử tri lẫn ứng viên đều e ngại tham gia.
“Các phong trào đảng thứ ba ở Mỹ thường bắt nguồn từ một số bất bình sâu sắc. Không đơn giản là một người giàu nào đó quyết định muốn lập đảng thứ ba là có thể thành lập”, giáo sư khoa học chính trị Alan Abramowitz tại Đại học Emory nói với CNN.
Hiện chưa rõ Musk đã chuẩn bị được đến đâu cho đảng mới này. Người phát ngôn của ủy ban hành động chính trị do Musk thành lập - America PAC - từ chối bình luận.
Trong khi đó, một quan chức cấp cao Nhà Trắng bác bỏ lời chỉ trích của Musk về dự luật. “Không còn ai thực sự quan tâm đến những gì ông ấy nói nữa”, nguồn tin này cho biết.
Hai thành viên đảng Cộng hòa thân cận với Nhà Trắng cũng nói rằng chưa rõ liệu lời đe dọa của Musk sẽ ảnh hưởng thế nào đến cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.
“Không rõ liệu ông ấy có thực sự hành động hay không. Vài tuần trước ông ấy còn xin lỗi và gọi cho ông Trump”, một nguồn tin chia sẻ.

Elon Musk tiếp tục chỉ trích dự luật chi tiêu của Tổng thống Donald Trump, tuyên bố sẽ lập đảng mới nếu quốc hội Mỹ duyệt kế hoạch ngân sách này.
Rào cản pháp lý
Các đảng chính trị tại Mỹ bị chi phối bởi luật pháp và quy định từ Ủy ban Bầu cử Liên bang (FEC), cũng như từng bang, bao gồm quy định đảng nào đủ điều kiện để xuất hiện trên lá phiếu.
“Hệ thống gần như được thiết lập để khiến đảng thứ ba không thể thành công”, Abramowitz nhận định.
Việc tài trợ cho một đảng mới cũng đối mặt với nhiều rào cản. Đạo luật Cải cách Chiến dịch Lưỡng đảng McCain-Feingold năm 2022 đặt ra giới hạn nghiêm ngặt về mức đóng góp cho các đảng chính trị.
Hiện giới hạn này là dưới 450.000 USD, được chia theo từng mục đích sử dụng trong đảng. Musk sẽ cần hàng nghìn người cùng đóng góp để tài trợ cho đảng của mình, theo luật sư Lee Goodman - cựu chủ tịch FEC.
“Một cá nhân, dù rất giàu, cũng không thể tự tài trợ cho một đảng chính trị quốc gia mới như cách ông ta khởi nghiệp công ty, vì luật giới hạn mức đóng góp”, Goodman nói với CNN. “Viễn cảnh một nhà sáng lập giàu có tự bỏ vốn để đảng mới tham gia tranh cử toàn quốc là điều không khả thi trong hệ thống quản lý hiện tại”.
Bradley Smith, một cựu chủ tịch FEC khác và hiện là giáo sư luật tại Trường Luật Đại học Capital, cho rằng vẫn có vài "con đường".
“Một số luật lệ cho rằng các hoạt động ban đầu để thành lập đảng chính trị có thể nhận khoản đóng góp lớn hơn, cho đến khi đảng đó đủ điều kiện được công nhận theo quy định của ủy ban bầu cử”, Smith chia sẻ.
Tuy nhiên, ông lưu ý nó rất phức tạp và khó thực hiện.
“Bạn có thể tài trợ cho các siêu PAC (ủy ban hành động chính trị) tùy ý. Nhưng bạn lại không thể làm điều đó với một đảng chính trị”, ông nói thêm.
Đảng mới cũng phải đáp ứng được yêu cầu thực tế là xuất hiện trên phiếu bầu. Mỗi bang có quy định khác nhau, chẳng hạn yêu cầu số lượng chữ ký ủng hộ nhất định.
“Quá trình này có thể mất nhiều năm và đòi hỏi phải thay đổi luật ở nhiều bang - vốn đang ưu ái cho hai đảng lớn hiện tại”, Goodman kết luận.

Tỷ phú Elon Musk sẽ phải đối mặt với rào cản pháp lý và chính trị phức tạp nếu lập đảng mới ở Mỹ.
Rào cản chính trị
Ngoài những rào cản về mặt pháp lý, thách thức lớn khác là thuyết phục ứng viên tham gia và cử tri bỏ phiếu cho họ.
Theo giáo sư Abramowitz, mặc dù mức độ ủng hộ có thể dao động, lòng trung thành với các đảng hiện tại vẫn rất mạnh, đặc biệt là đảng Cộng hòa, nơi thành viên ngày càng tập trung quanh ông Trump.
“Rất khó để thuyết phục mọi người bỏ phiếu cho ứng viên đảng thứ ba, vì lý lẽ thường thấy là: ‘Bạn đang lãng phí lá phiếu. Bạn đang bỏ phiếu cho người không có cơ hội thắng cử’”, ông Abramowitz nói.
Việc tìm ứng cử viên cũng là bài toán khó. Các chính trị gia Dân chủ khó có khả năng tranh cử dưới danh nghĩa đảng Mỹ vì “Dân chủ ghét Elon Musk”, Abramowitz chia sẻ.
Còn với đảng Cộng hòa, “họ đã thể hiện rõ rằng họ gắn kết với ông Donald Trump hơn Elon Musk”.
Theo nhà phân tích dữ liệu CNN Harry Enten, các cuộc thăm dò cho thấy phần lớn thành viên đảng Cộng hòa rất ủng hộ ông Trump. Khoảng 90% người ủng hộ hiệu quả làm việc của ông Trump cho tới nay trong nhiệm kỳ này.
Bên cạnh đó, việc là người giàu nhất thế giới không đồng nghĩa Musk không vấp phải sự “đối đầu” về tiền bạc. Những người phản đối không ngại bỏ tiền để chống lại sức ảnh hưởng của ông.
James Fishback - cựu cố vấn DOGE và ủng hộ Trump - cho biết ông đang thành lập siêu PAC để đối phó với dòng tiền của Musk trong các cuộc đua vào Quốc hội.
Fishback, hiện điều hành một công ty đầu tư, cho biết sẽ góp 1 triệu USD ban đầu cho siêu PAC mang tên FSD PAC (viết tắt của cụm Toàn lực ủng hộ Donald).
Ông nói với CNN rằng siêu PAC này sẽ hậu thuẫn cho chương trình nghị sự của ông Trump “và chống lại bất cứ ai đe dọa phá hoại chương trình đó”, bao gồm cả Elon Musk.
Nếu việc thành lập đảng mới quá khó khăn, Musk vẫn có thể nắm giữ ảnh hưởng lớn thông qua siêu PAC của mình - nơi ông tài trợ không giới hạn.
Siêu PAC này sau đó có thể hỗ trợ các ứng viên độc lập, những người dường như dễ dàng xuất hiện trên lá phiếu hơn.
“Chi tiêu độc lập, dù dưới hình thức cá nhân hay thông qua siêu PAC, vẫn là cách hợp pháp và thực tế nhất để một cá nhân giàu có có tiếng nói trong nền chính trị quốc gia”, Goodman nhận định.