'Mưu hèn, kế bẩn' của YouTube: Đẩy Internet Explorer vào chỗ chết chỉ bằng vài dòng chữ
Nhóm kỹ sư YouTube đã lập kế hoạch trừ khử Internet Explorer 6 mà không có sự cho phép của công ty mẹ là Google.
Trở lại năm 2009, thế giới Internet khác rất nhiều so với thời điểm hiện tại. Khi đó, iPhone mới được hai "tuổi" và chiếc điện thoại Android đầu tiên cũng vừa mới xuất hiện được gần một năm.
Hầu hết mọi người truy cập web thông qua máy tính để bàn và một phần đáng kể trong số đó gần như không bao giờ bận tâm đến việc cập nhật trình duyệt Internet Explorer 6 (IE6) cũ kỹ của mình, điều khiến nhiều nhà phát triển web cảm thấy "bất lực".
Dù một số trình duyệt web nhanh và hiện đại hơn như Firefox, Chrome hay IE8 đã được đưa vào sử dụng nhưng vẫn có 25% người dùng Internet sử dụng IE6. Thời điểm đó, 18% lưu lượng truy cập YouTube đến từ IE6 và điều này khiến YouTube buộc phải duy trì hỗ trợ cho trình duyệt này.
Tuy nhiên, quá mệt mỏi với IE6 cùng hàng loạt lỗi phát sinh, các nhà phát triển của YouTube đã lập một kế hoạch để trừ khử nó mà không có sự cho phép của công ty mẹ của YouTube là Google. Kế hoạch trên đã được Chris Zacharias, một cựu kỹ sư YouTube tiết lộ năm 2019.
Đầu tiên, hãy nhắc đến điều khiến IE6 bị ghét và thậm chí là bị chế giễu liên tục. Nó được phát triển trong thời kỳ mà Microsoft không có bất kỳ đối thủ cạnh tranh thực sự nào trên thị trường. Tuy nhiên, một thời gian sau, Chrome và Firefox đã ra đời và chứng tỏ sự nhanh nhạy, hiện đại của mình. Cũng chính vì vậy mà chúng được người dùng cập nhật thường xuyên hơn IE6.
Tuy IE6 khá "tậm tịt" nhưng các kỹ sư của YouTube và nhiều nhà phát triển web khác ở thời điểm đó không thể quay lưng bởi nó vẫn chiếm thị phần đáng kể. Sau nhiều đêm mất ngủ vì việc IE6 liên tục gặp lỗi hay không tương thích với các công nghệ Internet mới, nhóm kỹ sư YouTube đã nảy ra một kế hoạch đơn giản.
Họ thêm một banner nhỏ chỉ hiển thị với người dùng IE6, nói rằng trình duyệt này sẽ không được hỗ trợ trong tương lai và khuyến khích người dùng chuyển sang một trình duyệt hiện đại hơn. Kèm theo đó là đường dẫn tải về Chrome, Firefox và IE8.
Khi Google mua lại YouTube năm 2006, những nhà phát triển làm việc tại công ty từ thuở đầu đã nhận được đặc quyền tạo ra thay đổi mà không cần kiểm tra thêm, miễn là không có gì vi phạm tại trang web công khai với người dùng. Những kẻ âm mưu "giết chết" IE6 đã sử dụng kẽ hở này để thực hiện kế hoạch. Vì hầu như không ai ở YouTube còn sử dụng IE6 nên họ tin rằng mình sẽ không bị phát hiện ngay lập tức.
Hai ngày sau, trưởng phòng PR tìm đến và nói rằng ông nhận được email của hàng loạt tờ báo công nghệ trên thế giới hỏi tại sao YouTube lại đe dọa "giết chết" một trình duyệt có thị phần đáng kể như IE6. Thật may mắn cho nhóm kỹ sư này là nhiều đơn vị đã khen ngợi YouTube như một vị cứu tinh vì điều đó thúc đẩy mọi người dùng những trình duyệt tốt và nhanh hơn.
Tiếp theo là chuyến thăm của các luật sư của công ty. Họ muốn đảm bảo rằng việc lựa chọn trình duyệt trong banner là ngẫu nhiên để không gặp rắc rối với các quy định chống cạnh tranh của EU xung quanh Chrome.
Không lâu sau, thị phần của IE6 nhanh chóng bị thu hẹp khi banner do nhóm kỹ sư YouTube thực hiện được triển khai trên khắp các trang web. Cụ thể, theo Zacharias, trong vòng một tháng, người truy cập YouTube qua IE6 đã giảm một nửa và hơn 10% lưu lượng truy cập từ IE6 trên toàn cầu bị giảm trong khi các trình duyệt khác lại tăng lên tương ứng.
Đến tháng 3/2010, Google chính thức kết thúc hỗ trợ IE6 trên tất cả sản phẩm của mình và nhiều công ty công nghệ khác cũng làm như vậy. Đến năm 2012, lượng người dùng IE6 tại Mỹ chỉ còn dưới 1%.
Nếu câu chuyện diễn ra theo một cách khác, những kẻ âm mưu giết chết IE6 có thể đã mất việc hoặc ít nhất là bị điều chuyển sang bộ phận khác của công ty. Nhưng vì mọi việc đều diễn ra suôn sẻ nên họ vẫn bình an vô sự.