Mưu sinh bên sườn Ma Thiên Lãnh

Ma Thiên Lãnh là đỉnh núi cao nhất trong 7 đỉnh núi ở xã Lại Sơn, huyện Kiên Hải (Kiên Giang). Trên sườn núi Ma Thiên Lãnh có khoảng 20 hộ dân sinh sống hàng chục năm qua. Họ vừa chăm chỉ làm ăn, vừa giúp bộ đội biên phòng trong giữ rừng, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ biển, đảo...

Ông Nguyễn Văn Thống, 70 tuổi, sinh ra và lớn lên ở Hòn Sơn, hàng chục năm qua ông dựng nhà sống ở sườn núi Ma Thiên Lãnh. Ông Thống cho biết: “Ông nội tôi là người Quảng Bình về Hòn Sơn lập nghiệp hồi còn trẻ, rồi sinh cha tôi ở mảnh đất này, tôi cũng được sinh ra và lớn lên ở đây”.

Ông Thống kể hồi còn trẻ ông đi biển, lớn tuổi không còn sức để vươn khơi, nên ông lui về nhà chăm sóc xoài được trồng theo sườn núi Ma Thiên Lãnh và nuôi gà, tạo kế sinh nhai. Những gốc xoài cát Hòa Lộc được gia đình ông trồng theo sườn núi có tầm 30 - 40 năm tuổi.

“Trồng xoài trên sườn núi rất khỏe công chăm sóc, không cần xịt thuốc, bón phân, cây cho trái ít nhưng rất an toàn và trái xoài có vị ngọt thanh, thơm ngon. Gà thì nuôi thả vườn nên thịt chắc, dai. Khi gà lớn, tôi bán cho đứa cháu kinh doanh thức ăn cũng ở núi này”, ông Thống nói.

Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế, ông Thống còn là “cánh tay nối dài” của lực lượng bộ đội biên phòng. Khi có tình huống về an ninh, trật tự, tình hình người dân đi du lịch gặp trở ngại, khó khăn…, ông Thống kịp thời thông báo cho Đồn Biên phòng Hòn Sơn. Nhờ đó các vụ việc được bộ đội biên phòng nắm và phối hợp các ngành chức năng giải quyết kịp thời, không để xảy ra các tình huống phức tạp và tạo được ấn tượng đẹp trong lòng du khách.

Cán bộ Đồn Biên phòng Hòn Sơn trò chuyện với người dân sinh sống lâu năm ở sườn núi Ma Thiên Lãnh.

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Thành, chị Đào Xuân Hương được biết đến là hộ dân đầu tiên mở quán bán các món ăn chế biến từ gà như gà hấp tỏi nước mắm, gà nướng tiêu, gà nấu cháo… trên sườn núi Ma Thiên Lãnh. Anh Thành cho biết khoảng 5-7 năm gần đây, du lịch Hòn Sơn phát triển nên việc buôn bán của vợ chồng anh khấm khá.

Anh Thành chia sẻ: “Quán chuyên phục vụ các món thịt gà nhưng nếu khách đến tham quan, du lịch ăn chay thì vợ chồng tôi đãi món chay cho khách như cơm, rau luộc, bầu, bí… đều không tính tiền. Quán ăn của chúng tôi gần chùa nên có rất nhiều khách đến đây viếng chùa, lỡ đường không có thức ăn thì chúng tôi phục vụ để khách no bụng”.

Theo nhận định của nhiều cán bộ Đồn Biên phòng Hòn Sơn và khách đến du lịch ở Hòn Sơn thì việc kinh doanh, buôn bán của các hộ dân dọc sườn núi Ma Thiên Lãnh rất đàng hoàng, giá cả phải chăng, góp phần tạo sự ổn định về trật tự và tạo nên nét đẹp của du lịch Hòn Sơn.

Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Trương Công Hoàng - Phó trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Bãi Nhà, Đồn Biên phòng Hòn Sơn cho biết trước đây ở sườn núi Ma Thiên Lãnh có khoảng 20 hộ dân sinh sống lâu năm. Vài năm trở lại đây, du lịch phát triển, một số người dân mua đất lên sườn núi sinh sống, hiện sườn núi có khoảng 27 hộ dân.

"Người dân sinh sống phát triển kinh tế theo sườn núi góp phần thúc đẩy du lịch của xã, còn tích cực hỗ trợ bộ đội biên phòng nắm tình hình địa bàn, các hoạt động tín ngưỡng, hoạt động du lịch, góp phần hỗ trợ rất lớn cho đồn trong công tác nắm, quản lý địa bàn”, Thiếu tá Trương Công Hoàng cho biết thêm.

Đồn Biên phòng Hòn Sơn quản lý địa bàn hai xã Hòn Tre và Lại Sơn thuộc huyện Kiên Hải. Trung tá Vũ Minh Tuân - Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Hòn Sơn cho biết: "Đồn Biên phòng Hòn Sơn phối hợp rất tốt với các lực lượng, cơ quan, đơn vị và xây dựng tình cảm đoàn kết, gắn bó với nhân dân trên địa bàn, tạo thuận lợi trong việc giải quyết những vấn đề xảy ra trên biên giới, vùng biển, đảo".

Bài và ảnh: THU OANH

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/quoc-phong-an-ninh/muu-sinh-ben-suon-ma-thien-lanh-17829.html