Mưu sinh ở 'chợ lao động' tự phát

Đã từ lâu, tại khu vực chợ 7/11 (phường Quyết Thắng) và chợ Trung tâm (phường Chiềng Lề) của Thành phố đã hình thành 'chợ' lao động tự phát. Gọi là 'chợ' nhưng thực chất đây là nơi tập trung nhiều lao động tự do thuộc nhiều lứa tuổi sống ở các xã, phường trên địa bàn Thành phố. Điểm chung của họ là không có việc làm ổn định, tranh thủ thời gian nông nhàn, họ tập trung về đây chờ người đến thuê làm những công việc lao động chân tay để có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống.

Trong lúc đợi việc, một số lao động đánh bài giải khuây ngay tại khu nhà Vietinbank.

Trong lúc đợi việc, một số lao động đánh bài giải khuây ngay tại khu nhà Vietinbank.

Chúng tôi đến khu vực gần chợ Trung tâm, cạnh siêu thị Vienthonga, ở đây đang có 7, 8 người đang chờ việc. Bắt chuyện với ông Lèo Văn Lại (45 tuổi) ở bản San, xã Hua La, người có “thâm niên” gần 20 năm gắn bó tại chợ lao động này, ông chia sẻ: Tranh thủ thu hoạch xong vụ cà phê trên nương từ tháng 9 đến tháng 12 hằng năm, các tháng còn lại, cứ rỗi việc nhà là tôi lại ra đây đợi để chờ việc, ai thuê gì thì làm nấy, nhưng chủ yếu là làm các công việc cần sức lao động như bốc vác, xúc đất đá... tiền công cho mỗi buổi làm việc nhận được tùy thuộc vào công việc được thuê; những năm trước đây làm còn không hết việc, bây giờ có máy móc, nên công việc cần đến bốc vác cũng ít, nên có ngày được một vài trăm nghìn, nhưng có ngày, chả có đồng nào đem về.

Cùng chung hoàn cảnh với ông Lại, ông Lèo Văn Phiêu (43 tuổi) cùng bản thổ lộ: Trừ những ngày mưa, còn lại hầu như cứ 7 giờ sáng hàng ngày là tôi đã có mặt ở đây. Chúng tôi chủ yếu là ở các bản thuộc xã Hua La, một số ít ở xã Chiềng An, già có, trẻ có vì hoàn cảnh khó khăn, lại không có nghề nghiệp ổn định nên mới tìm về đây để kiếm việc làm. Thường thì vào dịp đầu năm và cuối năm, do nhu cầu xây dựng nhà ở tăng nên chúng tôi cũng có nhiều việc. Những tháng mùa mưa, có khi mấy ngày liền không có ai thuê, phải bỏ tiền túi để ăn trưa, xăng xe đi lại.

Chúng tôi tìm đến chợ 7/11, khu nhà Ngân hàng Vietinbank, đây là nơi tập trung nhiều lao động tự do nhất trên địa bàn Thành phố. Khi chúng tôi đến, có khoảng 20 người đang chờ việc, người thì đứng, người ngồi trên xe máy, một số quây lại thành từng nhóm đánh bài giải khuây. Anh Lèo Văn Phương (27 tuổi) ở bản Co Phung, xã Hua La, cho biết: Tôi và mấy người trong bản rủ nhau ra đây làm nghề bốc vác 3 năm nay rồi, hôm nay ở đây người chờ việc còn ít, chứ hôm đông cũng phải đến 40 người, có một số lao động tranh thủ nông nhàn, có người thì đưa vợ ra chợ 7/11 bán rau, rồi tranh thủ ra đây đứng đợi việc, thêm được đồng nào hay đồng ấy, phụ giúp trang trải sinh hoạt cho gia đình. Làm nghề “cửu vạn” này nhọc nhằn, vất vả lắm, song không phải lúc nào cũng có việc để làm. Bây giờ, việc ít mà người đi tìm việc làm thì đông, có thời điểm tôi đứng cả ngày mà không kiếm được việc làm, đành về không. Khó khăn nhất là, ở đây không có chỗ đứng, không ít lần chúng tôi bị bảo vệ đuổi do lấn chiếm chỗ để xe của Ngân hàng.

Khi chúng tôi hỏi vì sao không đi làm công nhân ở các doanh nghiệp để có thu nhập ổn định, anh Phương thật thà: Xin việc ở đâu giờ cũng cần bằng cấp, trình độ, mà mình chẳng học hành tử tế nên khó tìm việc lắm.

Vừa tranh thủ hỏi chuyện, tôi vừa nán lại chờ xem có người đến thuê lao động ở đây không, ngồi đến gần trưa mới thấy một người đang xây nhà, cần lao động để vận chuyển nguyên, vật liệu, đào đất, dọn dẹp... Cả nhóm ùa đến, háo hức chờ đợi, trả giá, nhưng cuối cùng chủ thuê chỉ cần 5 người, số được chọn vội vàng lấy xe máy đi theo người thuê, những người còn lại vẻ mặt buồn buồn, quay lại chỗ ngồi và tiếp tục chờ đợi...

Theo phản ánh của người dân gần 2 chợ lao động tự phát, các “chợ lao động” này hình thành từ rất lâu rồi, tranh thủ nông nhàn, nhiều người lao động tự do ở các bản thuộc xã Hua La, Chiềng Ngần, Chiềng An lại đổ về đây đợi việc, nhiều người không kể ngày mưa, nắng, tầm 5 giờ sáng đã chờ việc ở đây, rồi đến tối mịt họ mới trở về nhà. Trong lúc chờ đợi, kẻ đứng, người ngồi, xe cộ, choán hết cả vỉa hè, lề đường, trông rất nhếch nhác, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Đã có trường hợp, khi có người đến thuê thì tất cả những người lao động ào ra tranh giành, ngã giá gây mất trật tự và ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Chưa kể, chờ lâu không có người đến thuê, một số lao động quây lại thành từng nhóm đánh bài, có khi mâu thuẫn xảy ra tranh cãi nhau... khiến cơ quan chức năng của phường phải ra nhắc nhở.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố cho biết: Có nhiều nguyên nhân hình thành “chợ” lao động tự phát, ngoài “có cung ắt có cầu” thì hiện nay diện tích đất nông nghiệp ở Thành phố đã bị thu hẹp vì quá trình đô thị hóa. Mặt khác, Thành phố vẫn chưa có khu công nghiệp lớn thu hút lao động phổ thông, còn các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn lại yêu cầu lao động phải có bằng cấp, tay nghề. Để giải quyết việc làm cho người lao động, hằng năm, Phòng cũng đã phối hợp với các xã, phường tuyên truyền người dân đăng ký tham gia lao động ngoại tỉnh, như: Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang có các khu công nghiệp lớn; phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, các doanh nghiệp được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp phép tuyên truyền người dân đăng ký tham gia xuất khẩu lao động; phối hợp hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, nâng cao thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, vấn đề giải quyết việc làm cho lao động phổ thông vẫn là bài toán chưa có lời giải.

Thiết nghĩ, trước mắt, để các “chợ” lao động tự phát này không ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn giao thông và mỹ quan đô thị, chính quyền các phường của thành phố có “chợ” lao động cần vào cuộc tăng cường nhắc nhở, chấn chỉnh những cảnh lộn xộn, nhếch nhác ở các “chợ” này. Ngoài ra, Thành phố cũng cần xem xét quy hoạch, bố trí khu vực nhà chờ cho các lao động tự do để hoạt động của các “chợ” lao động diễn ra trật tự, nề nếp hơn.

Thủy Ngân

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/muu-sinh-o-cho-lao-dong-tu-phat-24692