Mưu sinh ở Hà Nội: Ngày đi bộ 30km, mỗi năm lương tăng chỉ 10 nghìn đồng
Trời Hà Nội đã chuyển sang tiết thu nhưng nắng nóng vẫn còn gay gắt làm cho việc mưu sinh của những phụ nữ nghèo trên các nẻo đường, góc phố vẫn không kém phần vất vả.
1 năm lương tăng thêm 10.000 đồng
Đang ngồi nghỉ mệt, mồ hôi nhễ nhãi, ướt đẫm cả chiếc áo bảo hộ, chị Phạm Minh Nguyệt (45 tuổi) và chị Nguyễn Thị Loan (công nhân vệ sinh của Hợp tác xã Thành Công), chia sẻ: "Mấy bữa nay, dù tiết trời đã sang thu nhưng cái nắng vẫn còn gay gắt, mới làm một chút mà mô hôi thi nhau túa ra, cộng thêm mùi xú uế trong rác khi gặp nắng nóng lại bốc lên mạnh hơn, có lúc choáng váng tưởng chừng như ngất đi". Khi được hỏi về tuổi, nghe chị Loan nói mình 46 tuổi, tôi không tin vì nhìn chị già hơn so với tuổi thật, mái tóc đã hoa râm, làn da rám nắng, khuôn mặt gầy khắc khổ như cộng thêm tuổi cho chị.
Hoàn cảnh gia đình chị Loan vất vả, chị lấy chồng muộn, chồng chị không có công việc ổn định nên hành nghề xe ôm làm kế sinh nhai cùng vợ gồng gánh nuôi 2 con nhỏ, đứa lớp 3, đứa lớp 2. "Mình cũng thường tâm sự với chồng, đời mình khổ từ nhỏ nên mình chịu được, hai vợ chồng cố gắng làm lụng để cho các con ăn học, sau này chúng còn có nghề, không vất vả như bố mẹ chúng", chị Loan trải lòng.
"Ngoài làm ca ở đây, chị có làm thêm được việc gì để cải thiện cuộc sống?" - tôi hỏi. Chị Loan cho biết: "Bọn tôi làm theo ca, 1 ca 8 tiếng, đi làm về thì chỉ muốn nằm nghỉ cho lại sức để ngày mai tiếp tục công việc chứ nói gì đến chuyện làm thêm, khó lắm chú ạ".
Trong câu chuyện của tôi với 2 chị, có lẽ nguyện vọng cũng như mong ước lớn nhất lúc này là được tăng lương, bởi đồng lương thấp, công việc lại vất vả, mà cuộc sống, chi tiêu hàng ngày đắt đỏ luôn đè nặng lên vai những người lao động như các chị. "Lương bọn tôi thấp lắm, tháng được 4,5 triệu đồng. Tôi vào làm ở Hợp tác xã đã 5 năm rồi nhưng lương chỉ có vậy, 1 năm lương tăng thêm được 10.000 đồng", chị Nguyệt buồn bã chia sẻ.
Mỗi ngày đi bộ 30 cây số
Đang đẩy nhanh chiếc xe tự chế đi trong cái nắng gay gắt, dừng chân dưới bóng cây nghỉ tạm, mặt đỏ gay, vợ chồng ông Nguyễn Văn Thanh (61 tuổi) và bà Nguyên Thị Lòi (57 tuổi) - quê Hải Dương - tâm sự: "Tôi lên Hà Nội bán chiếu làm kế sinh nhai, cho đến nay đã tròn 30 năm".
Phe phẩy chiếc nón lá về phía chồng, bà Lòi nói lớn trong tiếng xe cộ qua lại: "Một ngày tính trung bình vợ chồng tôi phải đi bộ 30 cây số với chiếc xe chất đầy hàng này. Hôm nay ế quá, chúng tôi đi từ sáng đến giờ chưa có ai mở hàng, ngày thường tính trung bình, trừ ăn uống rồi hai vợ chồng cũng thu được gần 200.000 ngàn đồng, ngày ế thì được 50.000 - 60.000 ngàn đồng". Công việc buôn bán luôn bám đường, vất vả là vậy nhưng 30 năm qua, ông Thanh vẫn trung thành với xe hàng với mặt hàng chủ đạo là chiếu của mình rong ruổi khắp phố phường Hà Nội kiếm kế sinh nhai cùng vợ nuôi đàn con khôn lớn.
"Chúng tôi thuê trọ ở Định Công, Q.Hoàng Mai, mấy bữa nay trời còn oi bức, đêm nằm không tài nào ngủ được. Căn nhà trọ hơn chục mét vuông, trên lợp mái tôn, trong phòng chất bao nhiêu thứ đồ, hàng họ, lại càng nóng hơn", bà Lòi trải lòng.
Với quán chè chén ở góc đường Lý Thường Kiệt - Phan Bội Châu (Hà Nội), bà Nguyễn Thị Hoa (61 tuổi, Hải Hậu, Nam Định), lên Hà Nội mưu sinh đã 10 năm có lẻ. Bà làm nhiều việc để kiếm sống nơi đất khách. Ban đầu, bà nhặt ve chai, mua bán đồng nát, giúp việc gia đình, sau chuyển sang quán chè chén và lấy góc đường này làm kế sinh nhai qua ngày.
"Ở quê, cuộc sống vất vả với vài sào ruộng khoán, chồng tôi mất, hai con gái đã lập gia đình. Mấy người trong làng rủ lên Hà Nội kiếm việc làm nên tôi khăn gói ra đây mưu sinh. Mình còn sức còn làm chứ con cái đều nghèo, chúng còn nuôi con nên mình không buộc gánh nặng lên vai các con. Tầm tuổi tôi, ở quê người ta ở nhà bế cháu, giúp đỡ các con việc vặt nhưng phận nghèo vẫn phải bám đường mưu sinh", bà Hoa trải lòng.
Bà Hoa mưu sinh ở đây hơn chục năm rồi nên bà con hàng phố biết hoàn cảnh khó khăn của bà cũng giúp đỡ, chia sẻ, động viên. "Bữa trước có hai chú ngồi uống nước ở quán, nghe hoàn cảnh của tôi, lúc đó có anh bán ô đi qua, hai chú đó mua tặng tôi cái ô chứ tiền đâu mà tôi mua", bà Hoa tâm sự.