Mưu sinh trên từng cây số
Ngày nào cũng vậy, trên chiếc xe đạp hoặc xe gắn máy cũ kỹ, những người bán kem, bán bánh rong ruổi mưu sinh khắp nẻo đường vạn dặm.

Xe kem mang ký ức tuổi thơ
Trưa nắng gắt, ông Nguyễn Văn Lộc (quê ở thị trấn Cái Dầu, huyện Châu Phú) đạp chiếc xe kem, tay lắc chuông “leng keng” khắp tuyến đường trong tỉnh. Ở cái tuổi 75, nhưng ông Lộc còn rất khỏe. Gạt mồ hôi ngang trán, ông mải miết đạp chiếc xe cũ rích, cho tới khi nào có người ngoắc lại mua kem thì mới dừng lại. Tính đến nay, ông Lộc có hơn 50 năm đạp xe bán kem khắp nơi. Từng tuyến đường đã in dấu xe của ông trong hành trình mưu sinh vạn lối. Nhờ nghề bán kem mà ông đã nuôi con khôn lớn.
Ngày nào cũng vậy, mỗi lần đi rước sấp nhỏ tại Trường Phổ thông Thực hành sư phạm, chúng tôi đều gặp ông Lộc dựng xe kem trước cổng, ngồi đợi học sinh. Cuối tuần, cũng thấy ông đạp xe dạo khắp phố phường. Mỗi cây kem bán với giá bình dân 5.000 đồng. Quê ông còn nhiều người duy trì cái nghề “dặm trường” này. Nhờ nghề, nhiều gia đình dư dả cho con ăn học đàng hoàng. Có gia đình dành dụm tiền mua đất ruộng trồng lúa. Mấy đứa con ông cũng khá lên nhờ nghề bán kem. “Con gái thứ 3 mỗi ngày làm 3 thùng kem, kiếm thu nhập kha khá. Sấp nhỏ có nhà cửa ổn định chú ơi! Không ngờ nghề này nuôi sống nhiều gia đình không đất sản xuất” - ông Lộc tâm sự.
Giờ tan tầm, học sinh quây quần bên xe kem. Ông Lộc nhanh tay cầm muỗng “thần thánh” múc từng viên kem vào bánh kẹp ống. Ông chế vài giọt sữa đặc, rắc muỗng đậu phộng rang giã nhuyễn trên mặt cây kem, trông rất hấp dẫn. Học sinh háo hức ăn từng miếng kem mát lành, thơm ngon, xua tan cái nóng ban trưa. Thấy chúng tôi khen kem ngon, ông Lộc phấn khởi nói, mấy chục năm trong nghề làm kem nên có kinh nghiệm chế biến. Nguyên liệu đơn giản, gồm: Bột béo, nước cốt dừa, đường cát, đậu phộng, sữa. Còn bánh kẹp ống thì chế biến bằng bột, đường, trứng gà. Bấy nhiêu đó đủ tạo thành món kem thơm ngon gia truyền, khiến người lớn, trẻ nhỏ đều ưa thích.

Hấp dẫn bánh tráng nướng
Phía sau chiếc xe gắn máy cũ kỹ là chiếc lò than nổ đỏ rực. Anh Trần Văn Trắng (xã Bình Hòa, huyện Châu Thành) chạy cà tịch cà tang rảo quanh trước cổng trường để bán cho học sinh. Nhờ siêng năng, chịu khó dãi nắng dầm mưa với nghề bán bánh tráng nướng, mà anh Trắng kiếm thu nhập nuôi sống gia đình. Đang nướng từng chiếc bánh tráng giòn tan, anh tâm sự: “Gia đình không ruộng đất, quanh năm tôi chạy xe rảo khắp trường học, sân bóng mini kiếm tiền bằng nghề này. Hôm nào đắt khách, tôi bán gần 100 cái bánh tráng, mỗi cái 10.000 đồng, kiếm thu nhập hơn 400.000 đồng sau khi trừ chi phí”.
Chiếc bánh tráng nướng trông giản đơn, nhưng được học sinh và người lớn ưa chuộng. Nguyên liệu gồm: Tép, xúc xích, trứng cút, gia vị… nhưng phải chế biến phù hợp với khẩu vị của mọi người. Quan trọng hơn nữa là khi nướng lên phải nóng, giòn thì học sinh mới khoái. Buổi sáng, anh Trắng tranh thủ bán ở địa phương, xế chiều anh chạy xuống TP. Long Xuyên phục vụ nhanh theo các điểm trường học. Cái nghề nướng bánh tráng thịnh hành khoảng vài năm trở lại đây. Ban đầu, anh chuyên bán xúc xích nướng, sau đó thấy các bà, các chị ở quê “biến tấu” từ chiếc bánh tráng đơn thuần thành món ăn khoái khẩu. Thấy món bánh dễ làm, ít tốn chi phí, nên anh bám nghề tới bây giờ.
Nếu như người ta phết trứng gà một lớp mỏng lên bánh tráng, thì anh Trắng “cải biên” thành trứng cút cùng tép, bắp, xúc xích xắt nhuyễn, trông rất hấp dẫn. Anh nói rằng, trứng cút sẽ giúp bánh thơm ngon hơn trứng gà. Gắp chiếc bánh tráng nóng hổi, giòn tan, anh Trắng bẻ sấp làm đôi nghe lắc rắc, bỏ vào chiếc túi giấy, những đứa trẻ đứng gần đó tranh nhau đòi lấy trước.
Ngày trước, anh cũng từng khăn gói lên tỉnh Bình Dương làm công nhân. Công ty đóng cửa, anh trở về quê, mưu sinh bằng nghề bán bánh tráng nướng và xúc xích. Tuy cuộc sống không giàu có, nhưng đủ nuôi sống gia đình và lo cho con cái ăn học, cảm thấy cuộc sống rất hạnh phúc. “Mờ sáng, tôi chạy khắp ngõ ngách trong xóm bán bánh tráng nướng cho bà con. Canh giờ giải lao, tôi vọt lẹ đến điểm trường để bán cho học sinh. Quanh năm mưu sinh, tuy có vất vả, nhưng được gần cha me, vợ con, vậy mà vui!” - anh Trắng trần tình.
Ngày nay, việc mưu sinh bên đường phố bằng những nghề giản đơn khá phổ biến. Bằng sức lao động của mình, họ kiếm thêm thu nhập ổn định, trang trải cuộc sống gia đình, không phải “ly hương” tìm việc.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/muu-sinh-tren-tung-cay-so-a415434.html