Mưu sinh trong đại dịch
Một nữ tiểu thương bán hàng ở chợ Hầm Nước (phường Phú Thạnh) trong mùa dịch. Ảnh: NGỌC DUNG
Dịch COVID-19 gây không ít khó khăn cho đời sống người dân. Trong số những người gồng mình mưu sinh trong dịch bệnh có không ít phụ nữ tảo tần sớm khuya. Họ đối mặt với nhiều âu lo, thách thức trong mùa dịch bệnh để lo cho cuộc sống gia đình.
Những tiểu thương nghèo
Những ngày này, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn, khiến chị Nguyễn Thị Mai, tiểu thương bán hàng trái cây ở chợ Hầm Nước (phường Phú Thạnh, TP Tuy Hòa) không khỏi lo lắng. Bởi chợ là nơi hàng ngày có đông người dân đến từ nhiều nơi khác nhau đến để mua bán, trao đổi hàng hóa nên việc phòng tránh dịch gặp nhiều khó khăn. Biết là buôn bán trong thời buổi dịch bệnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm, nhưng chị Mai vẫn đến chợ bán trái cây để có tiền trang trải cuộc sống. Chị thổ lộ: “Hàng ngày, tôi theo dõi thông tin dịch bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, bản thân cũng lo ngại lắm, nhưng vì cuộc sống gia đình khó khăn quá, không đi bán thì lấy đâu chi phí trang trải cuộc sống”.
Chị Mai cho biết, cũng may vợ chồng chị có cha mẹ còn khỏe nên yên tâm gửi con cho ông bà nội ngoại. Thường buổi trưa, chị Mai ở lại chợ ăn uống qua quýt để buổi chiều tiếp tục bán hàng. Mấy ngày này, để phòng chống dịch, chị Mai hàng ngày đều mang khẩu trang và mang theo chai nước sát khuẩn bên mình.
Dù dịch bệnh lây lan, trong lòng không khỏi thấp thỏm lo âu nhưng chị Mai cũng như nhiều nữ tiểu thương khác vẫn phải lặn lội sớm khuya bám chợ mưu sinh để có đồng ra đồng vô, kiếm tiền lo cho con cái ăn học, trang trải cuộc sống hàng ngày. Nỗi lo của họ nhân lên gấp đôi, khi hàng ngày theo dõi tin tức, biết nhiều khu vực trong tỉnh bị phong tỏa, một số chợ trên địa bàn TP Tuy Hòa tạm dừng hoạt động, bởi với họ, bán hàng ở chợ là công việc đem lại thu nhập chính mà cả gia đình trông chờ vào đấy.
Những ngày gần đây, không chỉ lượng khách ở chợ Hầm Nước mà nhiều chợ truyền thống cũng giảm hơn so với ngày thường. Thay vì đi chợ hàng ngày, nhiều bà nội trợ chọn giải pháp đi chợ một lần cho nhiều ngày sử dụng với mục đích hạn chế đến nơi đông người; nhiều người tìm đến các điểm bán nhỏ lẻ dọc đường để mua thực phẩm; hay đến mua hàng ở các siêu thị, cửa hàng bách hóa...
Theo quan sát của chúng tôi ở một số chợ, lo ngại dịch bệnh lây lan, nhiều nữ tiểu thương đã dần nghỉ bán. Chia sẻ về nỗi lo này, chị Trần Thị Khuê ở xã Hòa Xuân Tây (TX Đông Hòa) buôn bán mặt hàng rau củ quả ở chợ phường 7 (TP Tuy Hòa) nói: “Mấy ngày nay theo dõi thông tin trên báo đài thấy dịch bệnh nguy hiểm quá, hôm nay em tranh thủ chạy chợ một bữa nữa rồi nghỉ. Chồng em nói để tình hình dịch lắng xuống, yên ổn trở lại rồi hẳn buôn bán. Thôi thì vợ chồng em ở nhà tiết kiệm chi tiêu, thà ít còn hơn vừa buôn bán, vừa lo ngay ngáy chuyện bản thân lây nhiễm COVID-19”.
Mong dịch qua nhanh
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, từ ngày 24/6, toàn TP Tuy Hòa giãn cách xã hội, tiếp đến ngày 27/6 toàn tỉnh Phú Yên thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch theo Chỉ thị 15 của Chính phủ. Thực hiện theo chỉ thị này, các cửa hàng, quán xá kinh doanh dịch vụ ăn uống chấp hành quy định, treo biển chỉ bán mang về. Hoạt động mua bán kinh doanh bị ảnh hưởng rất lớn, gây không ít khó khăn đến đời sống, việc làm, thu nhập của người dân. Mưu sinh trong mùa dịch chưa bao giờ là điều dễ dàng, nhất là với những người mưu sinh dựa vào đường phố.
Ở trên vỉa hè đường Ngô Gia Tự (phường Phú Đông, TP Tuy Hòa) suốt cả buổi sáng nhưng quầy bán xôi của chị Trần Thị Nga chỉ lác đác vài người đến mua. Chị Nga chia sẻ: “Từ hôm Phú Yên xảy ra dịch đến giờ, hàng xôi của tôi ế ẩm quá chừng. Giờ người ta sợ dịch nên ít đi ra ngoài mua đồ ăn sáng. Dạo trước, mới hơn 8 giờ rưỡi là tôi bán hết một xửng xôi lớn.
Còn bây giờ ngồi đến 9-10 giờ sáng mà xôi còn gần đến nửa xửng. Nghỉ bán thì không biết làm gì, mà bán thì không lời lãi bao nhiêu”. Bao khoản chi tiêu trong nhà đều trông chờ vào việc góp nhặt những đồng tiền lẻ của chị Nga ở vỉa hè này. Chồng chị dạo này sức khỏe yếu hay đau bệnh liên miên, hai đứa con của chị thì tuổi mới vừa lên tám, lên mười. Nỗi lo cơm áo gạo tiền hàng ngày đè nặng lên vai chị, dịch bệnh ào đến khiến cuộc sống gia đình chị càng khó khăn, chênh chao.
Không chỉ hàng xôi của chị Nga, mà nhiều hàng quán bán thức ăn trên vỉa hè như: bánh mì, bún phở, bánh canh, bánh bèo, bánh xèo... ở TP Tuy Hòa cũng thưa vắng khách đến mua. Cũng như chị Nga, hơn 15 năm nay, cả nhà chị Nguyễn Thị Thu Thủy ở phường 4 (TP Tuy Hòa) trông cậy hết vào quán cơm gà ở vỉa hè của chị.
Chị Thủy nói, mấy hôm nay mẹ chị bệnh, rồi tiền chợ hàng ngày thiếu hụt nhiều nhưng chị quyết tâm hợp lực cùng chính quyền địa phương và người dân trên địa bàn thành phố chống dịch. Chị nói: “Những ngày dịch bệnh thấy đội ngũ y bác sĩ chống dịch vất vả mà thương quá.
Nhiều người hy sinh vì sức khỏe của người dân mà chấp nhận xa cha mẹ già, con thơ, chống chọi với cái nóng hầm hập người, rát da trong bộ đồ bảo hộ kín mít. Nhiều người kiệt sức mệt nhoài ngã bên vỉa hè mà ngủ, tôi thấy xót xa, cảm phục vô cùng... Cuộc sống gia đình mình có khó khăn một chút cũng không sao, chỉ mong dịch bệnh qua mau, trả lại cuộc sống bình yên vốn có bao năm qua cho người dân mình”.
Dịch bệnh xảy đến khiến cuộc sống gia đình tôi gặp khó khăn, nhưng chúng tôi nỗ lực chung tay cùng địa phương chống dịch. Chúng tôi mong dịch bệnh qua nhanh, trả lại cuộc sống bình yên vốn có cho người dân.
Chị Nguyễn Thị Thu Thủy ở phường 4, TP Tuy Hòa
Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/260517/muu-sinh-trong-dai-dich.html