MV xẩm 'Công cha ngãi mẹ sinh thành' - âm nhạc dân tộc giao thoa giao hưởng

Âm nhạc truyền thống Việt Nam, nhạc giao hưởng đã có một sự hòa quyện hài hòa, uyển chuyển và bắt tai trong MV 'Công cha ngãi mẹ sinh thành' của nghệ sĩ Tân Nhàn.

MV xẩm “Công cha ngãi mẹ sinh thành” của nghệ sĩ Tân Nhàn là câu chuyện về tình yêu bao la của người cha, người mẹ, về tình yêu quê hương đất nước và sức mạnh của những người con ưu tú đã lớn lên từ vòng tay cha mẹ để bảo vệ, xây dựng một Việt Nam hùng cường trải qua hàng ngàn năm lịch sử.

Trong MV, khán giả sẽ thấy những hình ảnh quen thuộc, bắt đầu từ truyền thuyết cha Rồng, mẹ Tiên với bọc trăm trứng, sau đó là những hình ảnh rất thân thương về ruộng đồng trong mùa cấy cày; về tình mẹ, tình cha bất kể nắng mưa, gió bão đều hết lòng chăm lo cho đứa con ngày càng khôn lớn; về những bữa cơm gia đình ấm áp, những bình yên của quê hương yêu dấu đã nuôi lớn đứa con nhỏ trưởng thành, vụt lớn lên mạnh mẽ như hình ảnh truyền thuyết Thánh Gióng, đem sức mạnh bảo vệ quê hương, đất nước cũng là bảo vệ mẹ cha mình... Và, cuối cùng người con ấy vẫn luôn trở về bên mẹ, bên cha yêu dấu, luôn ghi nhớ trong lòng “Công cha ngãi mẹ sinh thành”.

Sự hòa quyện đặc sắc của tinh hoa âm nhạc, nghệ thuật truyền thống Việt và nhạc giao hưởng.

Sự hòa quyện đặc sắc của tinh hoa âm nhạc, nghệ thuật truyền thống Việt và nhạc giao hưởng.

Trong phần âm nhạc của “Công cha ngãi mẹ sinh thành”, người nghe sẽ cảm nhận thấy rất rõ không gian âm nhạc ngũ cung đặc trưng của âm nhạc truyền thống, cùng với đó là những nét thú vị như phảng phất tiếng mõ tụng kinh phản ánh một không khí Phật giáo, mầu văn hóa phương Đông, hòa quyện với âm nhạc giao hưởng phương Tây, cảm nhận được nét nhạc của nhà soạn nhạc J.S.Bach và A.Vivaldi quyện vào trong đó.

Nhờ đó, âm nhạc truyền thống Việt Nam, nhạc giao hưởng đã có một sự hòa quyện vô cùng hài hòa, uyển chuyển và bắt tai trong phần âm nhạc tác phẩm “Công cha ngãi mẹ sinh thành” của Tân Nhàn. Đặc biệt, phần kết hợp biểu diễn giữa Tân Nhàn cùng tiếng đàn cello của Tiến sĩ, nghệ sĩ cello Đinh Hoài Xuân theo ý tưởng sáng tạo của chính Tân Nhàn đã “lạ hóa”, đem đến một sự cảm thụ âm nhạc hoàn toàn mới mẻ, thú vị cho bài xẩm này.

Tiến sĩ âm nhạc, nghệ sĩ cello Đinh Hoài Xuân chia sẻ: “Tôi rất hạnh phúc khi được tham gia tác phẩm này của chị Tân Nhàn. Một tác phẩm vô cùng thú vị, và đặc biệt, cái cách chị Tân Nhàn kết hợp khéo léo giữa nhạc giao hưởng từ bản phối của nhạc trưởng Đồng Quang Vinh và tiếng cello cùng giọng hát rất hay của chị là điều hết sức độc đáo”.

Nhà nghiên cứu âm nhạc, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long khẳng định: “Tôi nghĩ rằng đây là một tác phẩm có giá trị, có đóng góp của Tân Nhàn cùng ê-kíp. Thông qua cách hát, tôi cảm nhận Tân Nhàn đã giữ được tinh thần xẩm, giữ được chất Việt lại có nét rất riêng của chị. Việc thay thế cây đàn hồ thành violon cell tưởng lạ nhưng lại hòa quyện, vì nó có nét tương đồng: đều là nhạc cụ dây vĩ, không phím và âm khu trung trầm.

Đối xứng Đông Tây, đối xứng âm dương, đối xứng giữa tiếng hát với tiếng đàn cello. Nó là “triết lý” để xây dựng nên tác phẩm này. Và vì thế nó sẽ hài hòa được tai nghe của người nghe dù là ở nơi đâu. Đồng thời đây cũng là một trong những đóng góp của Tân Nhàn cho đời sống âm nhạc, cho nghệ thuật thưởng thức âm nhạc và cho nền âm nhạc đậm đà bản sắc Việt vươn ra với thế giới”.

MV là sự hội tụ, kết hợp đặc sắc giữa: những câu chuyện truyền thuyết nổi bật của người Việt, những họa tiết, hoa văn đặc trưng của thời Lý, và điểm nhấn là chất liệu đồ họa theo lối tranh sơn mài đặc trưng của người Việt tạo nên dấu ấn khác biệt cho MV. Màu sắc của toàn bộ MV cũng khiến người xem thấy rất đậm nét màu sắc đặc trưng của tranh sơn mài.

MV "Công cha ngãi mẹ sinh thành" đậm chất xuân, đậm giá trị Tết xưa.

MV "Công cha ngãi mẹ sinh thành" đậm chất xuân, đậm giá trị Tết xưa.

Không phải ngẫu nhiên, MV xẩm “Công cha, ngãi mẹ sinh thành” được ra mắt khi đất trời bước vào xuân. Hát xẩm thường hát vào mùa xuân, ngập tràn giá trị truyền thống. Tết là về nhà sum họp, về với cha mẹ để nhớ ơn sinh thành. MV này đậm chất xuân, đậm giá trị Tết xưa.

Tân Nhàn chia sẻ, một đất nước giữ được âm nhạc, nghệ thuật truyền thống tức là giữ được bản sắc văn hóa đất nước. Cô muốn góp sức nhỏ của mình để cống hiến và truyền tình yêu âm nhạc, nghệ thuật truyền thống cho thế hệ sau.

Đồng thời phải quảng bá giá trị văn hóa, nghệ thuật Việt đến với thế giới không phải bằng cách quảng bá “cái lạ” của nghệ thuật truyền thống nước mình, mà phải cho thấy sự giao thoa, hòa quyện của nghệ thuật truyền thống với âm nhạc thế giới mới dễ dàng tiếp cận công chúng thế giới hơn. “Âm nhạc, nghệ thuật truyền thống Việt Nam rất đặc sắc, rất đẹp, chúng ta cần quảng bá nhiều hơn với thế giới. Đó cũng là cách quảng bá hình ảnh Việt Nam”.

Bảo Châu

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/mv-xam-cong-cha-ngai-me-sinh-thanh-am-nhac-dan-toc-giao-thoa-giao-huong-post428174.html