Mỹ-Anh chiến với Houthis, liệu tác động sẽ thế nào?
Giới quan sát nhận định việc Mỹ-Anh chiến với Houthis có nguy cơ làm leo thang đáng kể tình hình Trung Đông, kéo Mỹ lún sâu vào khu vực.
Diễn biến Mỹ-Anh chiến với Houthis và các tác động có thể sau đó đang thu hút sự chú ý bàn luận của giới quan sát.
Đêm 11, rạng sáng 12-1 (giờ Yemen), quân đội Mỹ và Anh đã không kích hơn 60 mục tiêu tại 16 địa điểm của nhóm vũ trang Houthis trên lãnh thổ Yemen theo lệnh của Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Rishi Sunak, theo tờ Independent.
Giới quan sát nhận địnhcuộc đối đầu giữa Mỹ-Anh với Houthis là không bất ngờ nhưng đã làm leo thang đáng kể tình hình Trung Đông - điều mà Mỹ cố gắng ngăn chặn trong thời gian qua.
Houthis sẵn sàng nghênh chiến, Mỹ sẵn sàng đánh mạnh
Ngay sau các đợt không kích của Mỹ và Anh, một thành viên cấp cao của Houthis cho biết nhóm này đã đáp trả bằng việc tấn công vào các tàu chiến của Anh và Mỹ.
Phía Houthis cũng tuyên bố đã sẵn sàng đáp trả, đồng thời cảnh báo Washington và London “phải trả giá đắt cho hành động gây hấn trắng trợn này”.
Ngoài ra, ông Mohammed Abdulsalam - người phát ngôn Houthis cho biết nhóm này sẽ tiếp tục tấn công các tàu hàng đi qua Biển Đỏ có liên quan đến Israel để phản đối cuộc chiến ở Dải Gaza.
Điều đáng chú ý là sự hiếu chiến của Houthis với Mỹ đã tồn tại trước vụ không kích đêm 11-1. “Người dân Yemen cảm thấy thoải mái khi đối đầu trực tiếp với người Mỹ” - ông Abdul-Malik al-Houthi, thủ lĩnh Houthis, nói với tờ The New York Times vào tuần trước.
Theo chuyên gia Carl Skadian của Viện Trung Đông (viện nghiên cứu có trụ sở tại thủ đô Washington, D.C., Mỹ), chi phí chiến tranh tương đối thấp là một trong những nguyên nhân khiến Houthis tích cực trong cuộc đối đầu này. Theo vị chuyên gia, Houthis chỉ cần tấn công vào một con tàu trên Biển Đỏ cũng đủ khiến Mỹ “nóng mặt”.
“Hoạt động chống Houthis có nguy cơ kéo Mỹ lún sâu hơn vào vũng lầy Trung Đông. Mặc dù các cuộc tấn công của Mỹ nhằm mục đích răn đe, chỉ tấn công vào cơ sở Houthis thay vì các động thái leo thang hơn như nhắm vào các thủ lĩnh của nhóm hoặc các cố vấn Iran của Houthis. Tuy nhiên, việc Mỹ có răn đe được hay không thì còn lâu mới biết” - ông Skadian cho biết trong một bài viết đăng trên kênh Channel News Asia.
Về phía Mỹ, TS Victor Abramowicz tại ĐH Charles Darwin (Anh) cho rằng các cuộc tấn công của Mỹ và Anh vẫn ở mức “ôn hòa”. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng với năng lực quân sự của Mỹ trong khu vực, nếu Houthis sẵn sàng nghênh chiến thì Mỹ cũng sẵn sàng đánh mạnh.
“Với quy mô hiện diện của Mỹ trong khu vực đó, hoàn toàn có khả năng người Mỹ sẽ tấn công mạnh hơn rất nhiều” - ông Abramowicz nói với đài CNBC.
Nhiều tác động tiềm tàng
Nếu chỉ đơn giản là cuộc đối đầu giữa Mỹ-Anh với Houthis thì vấn đề không quá đáng ngại nhưng phía sau Houthis còn có sự hậu thuẫn của Iran và thậm chí là cả “trục kháng chiến” thân Iran ở Trung Đông, theo tờ Politico.
Ngay sau vụ tấn công của Mỹ và Anh, Iran đã lên án vụ việc là “vi phạm rõ ràng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Yemen”, đồng thời cảnh báo động thái của Washington và London sẽ gây ra “sự bất ổn” trong khu vực.
Trước đó, ngày 11-1, Iran đã bắt một tàu dầu mà Tehran cho là của Mỹ ở vịnh Oman. Ngoài ra, Tehran tuần trước cũng đã điều tàu khu trục Alborz đến Biển Đỏ, không lâu sau vụ Mỹ đánh chìm 3 tàu của Houthis và hạ 10 chiến binh Houthis.
Những diễn biến này khiến các quan chức Mỹ lo ngại rằng Iran sắp tới sẽ có phản ứng dẫn tới nguy cơ bùng phát xung đột bùng phát trên khắp Trung Đông, theo tờ Politico.
Bên cạnh mối nguy cơ địa chính trị, cuộc đối đầu giữa Mỹ-Anh với Houthis đã chứng kiến những tác động tức thời với kinh tế toàn cầu.
Theo CNBC, trong ngày 12-1, giá dầu đã tăng hơn 3%. Cụ thể, giá dầu Brent giao tháng 3 được giao dịch ở mức 79,83 USD/thùng vào trưa 12-1, tăng 3,13% so với một ngày trước đó. Hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 2 ở mức 74,42 USD/thùng, cao hơn 3,33% so với ngày 11-1.
Ngoài ra, trước nguy cơ bạo lực gia tăng ở Biển Đỏ sau các cuộc đối đầu giữa Mỹ-Anh với Houthis, dự kiến sẽ có thêm nhiều công ty vận tải biển ngưng cho tàu thuyền đi qua khu vực này, mà chuyển sang tuyến đường vòng qua mũi Hảo Vọng (Nam Phi), làm tốn thêm chi phí và thời gian di chuyển.
Thế lưỡng nan của ông Biden khi quyết định tấn công Houthis
Trong tuyên bố chính thức về vụ không kích của Mỹ và Anh, Tổng thống Mỹ Biden cho biết quyết định của ông được đưa ra “sau chiến dịch ngoại giao sâu rộng” của Washington nhưng không thể ngăn cản Houthis “leo thang các cuộc tấn công vào tàu thương mại” qua Biển Đỏ.
Từ tuyên bố trên, giới phân tích cho rằng nhà lãnh đạo Mỹ đã cân nhắc rất nhiều trước khi tấn công Houthis. Vì nếu Mỹ nhượng bộ, thì không chỉ các vụ tấn công của Houthis vào tàu thuyền Biển Đỏ mà cả các vụ tấn công vào lực lượng Mỹ ở Trung Đông do Houthis và các nhóm thân Iran khác thực hiện cũng sẽ không dừng lại.
Sau cùng, Tổng thống Biden đã chọn tấn công Houthis. Quyết định này tiếp tục đưa nhà lãnh đạo Mỹ vào thế khó khác.
Ngay sau vụ tấn công, bên cạnh những lời ca ngợi về động thái kiên quyết của Washington, nhiều nghị sĩ Mỹ đã chỉ trích ông Biden vì đưa ra quyết định mà không thông qua quốc hội.
“Những cuộc không kích này chưa được Quốc hội cho phép. Hiến pháp rất rõ ràng: Quốc hội có thẩm quyền duy nhất cho phép quân đội tham gia vào các cuộc xung đột ở nước ngoài.
Mọi tổng thống, dù thuộc đảng nào, trước tiên đều phải đến Quốc hội để xin phép” - Hạ nghị sĩ Dân chủ Jason Crow chỉ trích ông Biden.
Quyết định tấn công Houthis cũng tạo áp lực cho ông Biden khi nó xảy ra giữa lúc chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ 2024 của ông đang vào giai đoạn cao trào. Bất cứ tính toán sai lầm hay diễn biến không mong muốn nào đều có thể ảnh hưởng đến cuộc đua của ông vào Nhà Trắng.
Ngoài ra, cuộc đối đầu giữa Mỹ-Anh với Houthis cũng diễn ra vào thời điểm Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Mỹ Austin đang nằm viện sau các biến chứng hậu phẫu thuật. Điều này dấy lên tranh luận rằng ông Biden đã đặt an ninh quốc gia Mỹ vào tình thế nguy hiểm khi không thảo luận với cấp dưới của mình, theo đài CNN.
Nguồn PLO: https://plo.vn/my-anh-chien-voi-houthis-lieu-tac-dong-se-the-nao-post771606.html