Mỹ - Anh phối hợp siết ngành kinh tế huyết mạch của Nga
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa công bố quyết định mở rộng lệnh trừng phạt đối với ngành năng lượng cực kỳ quan trọng của Nga, với ý định tiếp tục gây thiệt hại cho Mátxcơva vào thời điểm Tổng thống đắc cử Donald Trump chuẩn bị nhậm chức.
Chính quyền sắp mãn nhiệm coi đây là biện pháp trừng phạt quan trọng nhất từ trước đến nay nhằm vào ngành dầu mỏ và khí tự nhiên hóa lỏng của Mátxcơva, có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế Nga hàng tỷ đô la mỗi tháng.
Mỹ nghi ngờ khoảng 180 tàu hoạt động trong bóng tối để giúp Nga vận chuyển dầu khí xuất khẩu sang các nước. Một số thương nhân, công ty dịch vụ mỏ dầu và quan chức ngành năng lượng Nga cũng trở thành mục tiêu của lệnh trừng phạt mới.
Cùng lúc, Vương quốc Anh áp lệnh trừng phạt các công ty năng lượng của Nga. Mỹ và Anh đều nhắm vào hai tập đoàn xuất dầu khí lớn của Nga là Gazprom Neft và Surgutneftegas, cùng hàng chục công ty con của hai tập đoàn này.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết hai tập đoàn này khai thác hơn 1 triệu thùng dầu mỗi ngày, thu về 23 tỷ USD/năm. Ngoại trưởng Anh David Lammy nói rằng doanh thu từ dầu mỏ là mạch máu của nền kinh tế Nga trong thời kỳ xung đột với Ukraine.
Anh cũng đã trừng phạt gần 100 tàu trong đội tàu trong “bóng tối" vận chuyển dầu của Nga.
Các đồng minh phương Tây của Ukraine đang tìm cách tiếp tục gia tăng áp lực kinh tế lên Mátxcơva trước khi Kiev bước vào bất kỳ cuộc đàm phán nào để chấm dứt xung đột.
Người phát ngôn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby cho biết, chính quyền Biden chọn thời điểm này, khi chỉ còn10 ngày nữa sẽ kết thúc nhiệm kỳ, để áp các biện pháp trừng phạt cứng rắn vì lo ngại về thị trường dầu mỏ thế giới đã lắng xuống. Tổng thống Biden nói với các phóng viên rằng ông dự đoán động thái mới của Washington chỉ khiến các tài xế mất "3 – 4 xu mỗi gallon” khi mua xăng.
"Điều này dựa trên các điều kiện thị trường. Thời điểm này là thuận lợi để đưa ra quyết định”, ông Kirby nói.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng áp lệnh cấm đi lại với 14 quan chức cấp cao và giám đốc điều hành của tập đoàn năng lượng nguyên tử Nga Rosatom, cùng với người nhà của họ.
Các quan chức chính quyền Biden cho biết, việc thực thi những quyết định này sẽ tùy thuộc vào việc chính quyền Trump có duy trì hay không.
Nhóm chuyển giao của ông Trump chưa phản hồi đề nghị bình luận.
Ông Mike Waltz, cố vấn an ninh quốc gia của chính quyền Trump sắp tới, viết trong bài bình luận trên báo Economist ngay trước ngày bầu cử rằng Mỹ nên "sử dụng đòn bẩy kinh tế" để đối phó với hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Nga, để đưa Tổng thống Nga Vladimir Putin vào bàn đàm phán.
Trong khi đó, ngày 9/1, ông Trump nói với các phóng viên rằng Tổng thống Putin "muốn gặp mặt và chúng tôi đang sắp xếp".