Tại sao Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump muốn mua lại Greenland?
Nếu trong nhiệm kỳ đầu tiên, tuyên bố của ông Trump về việc muốn mua lại Greenland được nhiều người cho là nói đùa, thì ở thời điểm hiện tại, quyết tâm của ông về việc sáp nhập hòn đảo này 'để đảm bảo an ninh Mỹ' khiến giới quan sát phải nhìn nhận lại một cách nghiêm túc.
Gần đây, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump gọi việc mua lại đảo Greenland - vùng lãnh thổ tự trị của Đan Mạch, là một nhu cầu tuyệt đối với an ninh quốc gia. Trong một cuộc họp báo tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở Florida hôm 7/1, ông nhấn mạnh Mỹ cần Greenland để đảm bảo an ninh kinh tế, đồng thời cảnh báo áp thuế Đan Mạch nếu đề xuất mua hòn đảo này bị từ chối.
Giới chức Đan Mạch ngay lập tức bác bỏ khả năng bán hòn đảo lớn nhất thế giới. "Greenland không phải để bán và sẽ không bán trong tương lai", Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen cho biết. Ngoài ra, nhiều lãnh đạo châu Âu như Thủ tướng Đức Olaf Scholz hay Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đưa ra quan điểm cứng rắn về vấn đề này, trong đó đều nhấn mạnh tới tầm quan trọng của chủ quyền đối với các quốc gia.
Theo CNN, vừa qua, con trai của ông Trump là Donald Trump Jr., bất ngờ tới thăm hòn đảo này. Dù Donald Trump Jr. cho biết đây là chuyến đi cá nhân, không mang tính chính thức, nhưng Tổng thống đắc cử Mỹ đã đăng tải trên mạng xã hội Truth Social về việc "Làm Greenland vĩ đại trở lại". Tuyên bố cùng những động thái gần đây làm dấy lên nhiều câu hỏi liệu Greenland có gì khiến ông Trump muốn sở hữu bằng được.
Theo giới chuyên gia, Greenland là cửa ngõ quan trọng dẫn đến Bắc Cực - khu vực ngày càng có ý nghĩa đối với các quốc gia lớn khi băng tan mở ra nhiều cơ hội kinh tế và quân sự mới. Tuyến đường ngắn nhất từ Mỹ đến châu Âu cũng chạy qua Greenland, khiến nơi đây trở thành mắt xích không thể thiếu trong bất kỳ kế hoạch kiểm soát nào của Washington.
Tạp chí The Economist dẫn lời các nhà phân tích chính trị thế giới nêu rõ, từ thời Chiến tranh lạnh, Greenland đã là căn cứ quân sự trọng yếu. Căn cứ không quân Pituffik của Mỹ được đặt tại đây cho phép Washington duy trì sự giám sát liên tục trên Bắc Đại Tây Dương, đồng thời đóng vai trò then chốt trong việc theo dõi các động thái từ Nga.
Nhà nghiên cứu địa chính trị Ulrik Pram Gad cũng chỉ ra rằng, Greenland không chỉ giúp Mỹ ngăn chặn các cuộc tấn công bất ngờ từ Nga mà còn đóng vai trò như một lá chắn địa chính trị trước ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc.
Không những vậy, Greenland còn sở hữu nguồn tài nguyên khổng lồ. Theo các báo cáo khoa học, hòn đảo này chứa đến 43/50 loại khoáng sản quan trọng được Mỹ liệt kê là thiết yếu. Trong đó bao gồm các trữ lượng đất hiếm lớn - thành phần quan trọng trong việc sản xuất thiết bị quân sự hiện đại và các công nghệ năng lượng xanh.
Đất hiếm là yếu tố then chốt trong ngành công nghệ cao, từ điện thoại di động đến máy bay chiến đấu. Việc kiểm soát nguồn tài nguyên này sẽ mang lại lợi thế lớn cho bất kỳ quốc gia nào. Giáo sư Klaus Dodds từ Đại học London đánh giá, chính nguồn tài nguyên phong phú mới là yếu tố hấp dẫn nhất khiến ông Trump quyết tâm theo đuổi Greenland.
Được biết, Bắc Kinh hiện kiểm soát phần lớn nguồn cung đất hiếm toàn cầu và việc Greenland sở hữu một trữ lượng đáng kể tạo cơ hội để Mỹ thay đổi cục diện này. Bên cạnh đó, Greenland còn có tiềm năng khai thác dầu mỏ và khí đốt, dù điều này vẫn vấp phải các quan ngại về môi trường.
Cũng liên quan tới tuyên bố của ông Trump, RT dẫn lời Đại sứ Nga tại Đan Mạch Vladimir Barbin cho biết, căn cứ không gian Pituffik của Mỹ trên bờ biển phía Tây Bắc của đảo Greenland hiện là một phần trong hệ thống cảnh báo sớm do Mỹ thiết lập, nhằm đối phó với nguy cơ xảy ra một cuộc tấn công hạt nhân từ Bắc Cực.
"Một quá trình hiện đại hóa toàn diện đang được tiến hành, bao gồm việc hiện đại hóa các hệ thống radar trị giá hàng tỷ USD. Cơ sở hạ tầng sân bay cũng đang được phát triển cho các máy bay chiến đấu F-35 có khả năng mang vũ khí hạt nhân", Đại sứ Barbin cho biết.
Đại sứ Barbin tuyên bố Nga cam kết "tăng cường sự ổn định" ở khu vực Bắc Cực, nhưng điều này chỉ có thể thực hiện được thông qua việc thiết lập một hệ thống an ninh công bằng cho tất cả các quốc gia ở khu vực này. Đại sứ Barbin cảnh báo Nga sẽ xem xét lập trường của ông Trump để đảm bảo kế hoạch quốc phòng tốt hơn.