Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm gây sức ép với Syria
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 9/11, Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào lĩnh vực dầu mỏ và các sỹ quan tình báo Syria nhằm gây sức ép đối với chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao Mỹ cấm giao dịch với 19 cá nhân hoặc thực thể Syria đồng thời đóng băng tất cả tài sản của các cá nhân và thực thể này tại Mỹ.
Các thực thể bị trừng phạt gồm 2 đối tác của Bộ dầu mỏ Syria là Công ty cổ phần dầu mỏ Arfada và Công ty vận tải biển Sallizar. Hai công ty này có hoạt động liên quan một nhà máy lọc dầu tại tỉnh Raqa và một kho cảng ở thành phố ven biển Tartus.
Mỹ cũng áp đặt trừng phạt tướng Ghassan Jaoudat Ismail, người đứng đầu Cơ quan tình báo không quân Syria và Tướng Nasr Al-Ali, người đứng đầu Cơ quan an ninh chính trị.
Đây là loạt biện pháp trừng phạt thứ 5 của Mỹ áp đặt với Syria kể từ khi Đạo luật Caesar của Mỹ về Syria có hiệu lực hồi tháng Sáu vừa qua, theo đó hạn chế mọi hỗ trợ tái thiết của Mỹ và duy trì sức ép đối với ông Assad.
Trong diễn biến khác, cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo xác nhận nước này dự định bán máy bay tiêm kích hàng đầu F-35 cho Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) như một phần của thương vụ mua bán khí tài quân sự trị giá 23,37 tỉ USD với quốc gia vùng Vịnh này.
Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Pompeo nêu rõ thỏa thuận lịch sử của UAE nhằm bình thường hóa quan hệ với Israel theo các Hiệp định Abraham mang lại một cơ hội " có một không hai" để chuyển đổi tích cực cục diện chiến lược của khu vực này.
Theo ông, thương vụ trị giá 23,37 tỉ USD với UAE bao gồm 50 tiêm kích F-35. Đây là chiến đấu cơ do hãng Lockheed Martin của Mỹ chế tạo, thường được sử dụng trong các nhiệm vụ do thám, không kích và chiến đấu trên không. Với thương vụ trên, UAE sẽ còn sở hữu 18 máy bay không người lái MQ-9B cùng với lượng đạn dược trị giá 10 tỉ USD.
Tháng trước, Bộ Ngoại giao Mỹ đã gửi thông báo chính thức lên quốc hội về thương vụ này. Các nhà lập pháp Dân chủ từng quan ngại rằng hợp đồng bán khí tài quân sự với UAE có thể khơi mào cuộc đua vũ trang tại khu vực Trung Đông và đe dọa những lợi thế quân sự của Israel.
Cả Israel và UAE đều là đồng minh thân cận của Mỹ ở Trung Đông. Lâu nay, UAE đã bày tỏ mong muốn mua chiến đấu cơ tàng hình F-35, nhưng luôn vấp phải sự phản đối của Israel. Tuy nhiên, với việc hai nước gần đây đã bình thường hóa quan hệ ngoại giao và việc Mỹ đảm bảo sẽ duy trì ưu thế quân sự vượt trội của Israel trong khu vực, nước này đã đồng ý rút lại những phản đối của mình.
Hiện ở Trung Đông chỉ có Israel đang sở hữu F-35, với phi đội gồm 24 chiếc. Nước này dự định sẽ mua thêm 50 chiếc nữa trong tương lai.