Mỹ áp dụng lệnh trừng phạt mạnh với lĩnh vực năng lượng của Nga
Ngày 10/1, Mỹ và Anh tuyên bố siết chặt trừng phạt đối với ngành năng lượng của Nga với cáo buộc lĩnh vực này là nguồn thu chính mà Nga sử dụng để phục vụ cho chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Theo Bloomberg, lệnh trừng phạt của Mỹ hướng tới một số đối tượng năng lượng nổi bật của Nga, cụ thể:
Trực tiếp nhắm vào các công ty vận chuyển lớn: Lần đầu tiên, Mỹ trực tiếp nhắm vào hai công ty vận chuyển dầu mỏ lớn của Nga là Gazprom Neft và Surgutneftegaz. Hai công ty này đã vận chuyển khoảng 970.000 thùng dầu mỗi ngày bằng đường biển trong năm 2024, một con số đáng kể hơn cả lượng cung thặng dư toàn cầu dự kiến cho năm 2025.
Mở rộng danh sách tàu chở dầu bị trừng phạt: Các lệnh trừng phạt được áp dụng đối với 183 tàu mà chính phủ Mỹ tin rằng là một phần của "hạm đội bóng tối" của Nga, được cho là dùng để trốn tránh các lệnh trừng phạt hiện hành đối với hoạt động vận chuyển dầu của Nga.
Siết chặt hoạt động bảo hiểm hàng hải: Lệnh trừng phạt cũng nhắm vào hai nhà cung cấp bảo hiểm bảo vệ và bồi thường tàu chở dầu lớn nhất của Nga là Ingosstrakh và Alfastrakhovanie. Điều này có thể buộc nhiều tàu chở dầu bao gồm cả đội tàu của Nga phải rời khỏi thị trường bảo hiểm chính thống, làm tăng thêm các rủi ro về an toàn hàng hải.
Hạn chế dịch vụ dầu khí: Các công ty dịch vụ dầu khí của Mỹ sẽ phải ngừng hoạt động tại Nga trước ngày 27/2/2025. Mặc dù tác động ngắn hạn có thể không đáng kể do Nga đã chuyển sang sử dụng các nhà cung cấp trong nước, nhưng điều này có thể ảnh hưởng đến việc phát triển các dự án mới, đặc biệt là các dự án đòi hỏi công nghệ tiên tiến ở Bắc Cực và ngoài khơi.
Đây là đợt trừng phạt lớn nhất từng được áp đặt, nhắm mục tiêu nhằm cắt giảm doanh thu từ ngành kinh tế huyết mạch của Nga, khiến nước này có thể chịu thiệt hại ước tính lên tới hàng tỷ USD mỗi tháng.
Theo các chuyên gia phân tích, hiệu quả của lệnh trừng phạt mới phụ thuộc nhiều vào việc thực thi và giám sát, chính quyền Mỹ cần sẵn sàng có biện pháp mạnh với cả những đơn vị mua dầu của Nga. Việc phần lớn hoạt động buôn bán dầu mỏ của Nga đã chuyển hướng sang các đối tác không thuộc phương Tây khiến việc này không đơn giản để triển khai.
Bên cạnh đó, theo đánh giá của Hãng tư vấn năng lượng hàng đầu thế giới Rystad Energy, chỉ khoảng 15% thị trường khoan dầu của Nga phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài. Con số này cho thấy tác động của các biện pháp trừng phạt có thể sẽ không quá lớn trong ngắn hạn, nhưng sẽ gây khó khăn đáng kể cho các dự án phát triển dài hạn của Nga.
Trong tương lai, các lệnh trừng phạt cũng có thể mang lại cho Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump nhiều đòn bẩy hơn trong các cuộc đàm phán trong tương lai khi ông Trump cố gắng chấm dứt xung đột ở Ukraine.
Cùng ngày, chính quyền Anh cũng đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Gazprom Neft và Surgutneftegaz và nhắm mục tiêu vào những con tàu đã và đang giúp Nga né tránh lệnh trừng phạt. Theo đó, các biện pháp trừng phạt mới của Anh sẽ hạn chế hoặc cấm những con tàu này di chuyển và tiếp cận một số cảng của Anh. Theo Ngoại trưởng Anh David Lammy, doanh thu từ dầu mỏ là huyết mạch của nền kinh tế Nga trong giai đoạn diễn ra xung đột với Ukraine.
Ấn Độ và Trung Quốc có khả năng phải đối mặt với nhiều thiệt hại tiềm ẩn khi lệnh trừng phạt mới của Mỹ được dự báo sẽ gây ra những gián đoạn nghiêm trọng đối với hoạt động xuất khẩu dầu của Nga sang hai quốc gia này. Trước tình hình đó, các nhà máy lọc dầu Ấn Độ đang chuẩn bị đối phó với khả năng nguồn cung dầu thô giá rẻ từ Nga bị ảnh hưởng nặng nề.
Mặc dù lượng dầu nhập khẩu từ Nga của Ấn Độ trong tháng 11 đã giảm mạnh 55% so với cùng kỳ năm trước xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6/2022, một dấu hiệu giảm phụ thuộc vào một quốc gia duy nhất, Nga vẫn là nhà cung cấp dầu thô hàng đầu cho Ấn Độ trong tháng 11/2024, vượt qua cả Iraq và Saudi Arabia, trong khi Trung Quốc là nước mua dầu thô lớn thứ hai của Nga.
Thị trường dầu thô biến động mạnh trước thông tin về lệnh trừng phạt. Cụ thể, vào lúc 9h ngày 11/1 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent đạt 79,76 USD/thùng, tăng 3,58% và giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) đạt 76,57 USD/thùng, tăng 3,69%.
Gazprom Neft là công ty con của Tập đoàn Năng lượng hạt nhân Rosatom, tập trung phát triển các mỏ dầu khí và khai thác dầu khí. Đây là công ty đầu tiên bắt đầu sản xuất dầu trên thềm Bắc Cực của Nga.
Surgutneftegaz đứng thứ 21 trong số 100 công ty có thu nhập ròng lớn nhất tại Nga trong năm 2023.