Mỹ áp thuế 25% với nhôm, thép nhập khẩu: Loạt 'ông lớn' Việt ảnh hưởng ra sao?

Việc áp thuế 25% với nhôm, thép nhập khẩu từ Mỹ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, song vẫn có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này.

Sáng 11/2 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức ký sắc lệnh áp thuế 25% lên mặt hàng hàng thép và nhôm nhập khẩu vào nước này.

Đây là động thái mới nhất trong chính sách thương mại cứng rắn của ông Trump và có thể ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam - một trong những nhà xuất khẩu thép và nhôm lớn vào Mỹ.

Mỹ là một trong những thị trường xuất khẩu thép lớn nhất của Việt Nam

Theo báo cáo của Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, năm 2024, Việt Nam xuất khẩu khoảng 983 triệu USD thép và sản phẩm thép (tăng gần 159% so với năm 2023) vào thị trường Mỹ. Bao gồm các sản phẩm như: thép mạ kẽm; thép mạ nhôm kẽm; thép phủ nhựa; thép không rỉ; thép hợp kim…

Năm 2024, Việt Nam xuất khẩu khoảng 983 triệu USD thép và sản phẩm thép vào thị trường Mỹ. Ảnh: Hồng Hạnh.

Năm 2024, Việt Nam xuất khẩu khoảng 983 triệu USD thép và sản phẩm thép vào thị trường Mỹ. Ảnh: Hồng Hạnh.

Với mặt hàng nhôm, giá trị xuất khẩu năm ngoái khoảng 479 triệu USD nhôm và sản phẩm nhôm sang thị trường, tăng 9,5% so với năm 2023. Bao gồm các sản phẩm như: tủ bếp, bàn nhôm, thiết bị nội thất nhôm; nhôm hợp kim; nhôm thanh, nhôm dây…

Nhiều năm qua, Mỹ là một trong những thị trường xuất khẩu thép lớn nhất của Việt Nam. Hiện, mặt hàng nhôm và thép của Việt Nam vẫn đang phải chịu mức thuế lần lượt là 10% và 25% (theo mục 232 mà Hoa Kỳ áp dụng từ năm 2018) với hầu hết các nước.

Như vậy, với chính sách mới, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho hay, thuế nhập khẩu nhôm sẽ tăng từ mức 10% lên 25%, còn thép vẫn duy trì mức cũ, tuy nhiên, lợi thế cạnh tranh sẽ thu hẹp lại so với trước.

Biên độ lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ giảm

Hiện nhu cầu nhập khẩu thép của Mỹ chiếm 12-15% và nhôm chiếm 40-45%. Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ nhận định, khi Mỹ áp dụng với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu, Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội tiếp tục xuất khẩu.

Bởi thực tế, năng lực sản xuất của các nhà sản xuất thép, nhôm của Mỹ chưa thể đáp ứng ngay nhu cầu trong nước. Trong khi, sản phẩm nhôm, thép của Việt Nam được nhà nhập khẩu ưa chuộng vì chất lượng và giá thành sản phẩm.

"Các công ty Việt Nam sẽ không còn phải đối mặt với sự cạnh tranh về giá từ các quốc gia như Canada, Mexico, Brazil. Điều này giúp các doanh nghiệp thép, nhôm của Việt Nam giảm bớt sức ép cạnh tranh về giá và cải thiện lợi nhuận", ông Hưng nói.

Với sản phẩm thép, Mỹ đã điều tra hơn 34 vụ, chiếm hơn 50% tổng số vụ kiện mà Mỹ điều tra phòng vệ thương mại với Việt Nam. Ảnh: Hồng Hạnh.

Với sản phẩm thép, Mỹ đã điều tra hơn 34 vụ, chiếm hơn 50% tổng số vụ kiện mà Mỹ điều tra phòng vệ thương mại với Việt Nam. Ảnh: Hồng Hạnh.

Song, ông Hưng cũng lưu ý, biên độ lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ giảm xuống khi bị nâng thuế lên cao và gia tăng các giải pháp phòng vệ thương mại từ nước nhập khẩu.

Trong bối cảnh này, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Mỹ khuyến cáo doanh nghiệp Việt Nam cần đánh giá tình hình để có chiến lược kinh doanh phù hợp, mở rộng xuất khẩu sang các thị trường có Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam, tránh phụ thuộc vào một thị trường.

Đánh giá tác động đến các "ông lớn" trong hai ngành này, theo phân tích của Trung tâm phân tích Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), Hòa Phát sẽ ít chịu tác động nhất từ thuế quan của Hoa Kỳ.

Bởi lẽ, thị trường xuất khẩu chính của doanh nghiệp này là các quốc gia thuộc ASEAN và châu Á. Hơn nữa, các sản phẩm thép được tiêu thụ chủ yếu ở thị trường nội địa, kênh xuất khẩu chiếm 30% tổng sản lượng.

Trong khi đó, dự báo Nam Kim và Hoa Sen có thể gặp khó khăn hơn. Xuất khẩu chiếm 40-60% doanh thu của Nam Kim, với Mỹ là thị trường lớn thứ ba. Còn Hoa Sen có 40-50% doanh thu từ xuất khẩu, với thị trường Mỹ đóng góp 15-20%.

Hồng Hạnh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/my-ap-thue-25-voi-nhom-thep-nhap-khau-loat-ong-lon-viet-anh-huong-ra-sao-192250211161638386.htm