Mỹ áp thuế bổ sung, xuất khẩu của Việt Nam ảnh hưởng ra sao?

Nhiều chính sách mới từ các thị trường xuất nhập khẩu trong năm 2025 là những thách thức lớn cho doanh nghiệp, vì vậy cần sớm có những động thái để sẵn sàng đáp ứng.

Năm 2025, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam được nhận định sẽ đối diện với nhiều thách thức, như tình hình xung đột chính trị, quân sự chưa có dấu hiệu hạ nhiệt ở một số khu vực có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng hàng hóa. Đặc biệt, sự thay đổi chính sách của các nền kinh tế lớn có thể ảnh hưởng đa chiều đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Thị trường xuất khẩu sẽ có nhiều thay đổi

Là thị trường xuất nhập khẩu lớn của Việt Nam, ngày 1/2 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh áp bổ sung thuế 25% đối với các hàng hóa xuất khẩu từ Canada và Mexico và 10% đối với hàng hóa của Mỹ. Mặc dù Mỹ chưa áp thuế đối với sản phẩm dệt may nhập khẩu, song ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc May 10 nhận định, đây vừa là cơ hội nhưng cũng vừa là thách thức đối với ngành dệt may nói chung.

Dệt may Việt Nam hướng đến mục tiêu xuất khẩu 48 tỷ USD trong năm 2025

Dệt may Việt Nam hướng đến mục tiêu xuất khẩu 48 tỷ USD trong năm 2025

Ông Việt cho biết, kim ngạch xuất nhập khẩu dệt may của Việt Nam vào Mỹ là đang là xuất siêu, do đó với bất kể một quốc gia nào, Mỹ sẽ dựa vào cán cân thanh toán quốc tế để có thể áp thuế bổ sung để cân bằng cán cân thanh toán quốc tế. Trước bối cảnh này, Tổng Công ty May 10 cũng đặt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2025 ở mức trên 10% so với năm 2024 bằng nhiều giải pháp.

“Đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, May 10 vẫn tập trung sâu vào mở rộng các thị trường xuất khẩu, không phụ thuộc vào bất kể một thị trường nào. May 10 trong nhiều năm qua luôn luôn cân bằng giữa 3 thị trường là Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Trong 5 năm vừa qua, với 16 Hiệp định thương mại tự do đã được Việt Nam ký kết song phương và đa phương vẫn sẽ là một cơ hội rất lớn để May 10 có thể tiếp tục mở rộng thị trường”, ông Việt chia sẻ.

Năm 2024 vừa qua là dấu mốc lần đầu tiên thủy sản Việt Nam duy trì vị trí số 5 liên tiếp, trong cả 12 tháng tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường Singapore. Tuy nhiên, ông Cao Xuân Thắng, Tham tán Thương mại, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho rằng, để có thể tăng thị phần bền vững, nâng cao thứ hạng cũng như giá trị xuất khẩu thủy sản sang Singapore, doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng các mặt hàng thủy sản.

Thủy sản Việt Nam năm 2025 tiếp tục có triển vọng xuất khẩu tại nhiều thị trường

Thủy sản Việt Nam năm 2025 tiếp tục có triển vọng xuất khẩu tại nhiều thị trường

Ông Thắng cũng cho biết, tình trạng lạm phát cao và căng thẳng địa chính trị cũng là một thách thức không nhỏ cho ngành thủy sản các nước xuất khẩu vào Singapore, trong đó có Việt Nam. Khi đó, nước nào tận dụng được lợi thế về logistics cũng như giảm thiểu được các chi phí sẽ tạo được lợi thế cạnh tranh lớn hơn trong xuất khẩu hàng hóa vào Singapore.

"Để đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng thủy sản sang thị trường Singapore nói riêng và thị trường thế giới nói chung, Thương vụ đang tích cực công tác kết nối với các doanh nghiệp thủy hải sản hàng đầu của Việt Nam, để đưa các thông tin mặt hàng các nhà nhập khẩu Singapore đang tìm kiếm. Thương vụ cũng kết nối Hiệp hội các ngành công nghiệp thủy sản của Singapore với các doanh nghiệp Việt Nam, tham gia các hội chợ triển lãm, tăng sự hiện diện của hàng hóa Việt Nam tại địa bàn nhằm quảng bá thương hiệu sản phẩm, thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam", ông Thắng nói.

Năm 2024, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt mức kỷ lục 9,18 triệu tấn với kim ngạch 5,75 tỷ USD

Năm 2024, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt mức kỷ lục 9,18 triệu tấn với kim ngạch 5,75 tỷ USD

Sớm chuẩn bị các kịch bản để ứng phó

Năm 2025, Bộ Công Thương đặt mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng trên 10% - 12% so với năm 2024; cán cân thương mại tiếp tục có xuất siêu ở mức trên 20 tỷ USD. Riêng với thị trường Mỹ, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay, trước đây ảnh hưởng từ thuế quan của thị trường Mỹ chưa lớn, tuy nhiên trong nhiệm kỳ mới của Tổng thống Donald Trump, dự báo có 2 kịch bản với xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ.

Kịch bản khả quan là Mỹ vẫn duy trì chính sách thuế hiện hành đối với hàng Việt Nam, khi đó Việt Nam hoàn toàn có thể đón nhận dòng đầu tư để gia tăng xuất khẩu. Ở kịch bản xấu hơn, nếu tác động chính sách thuế của Mỹ gắt gao, chặt hơn có thể tác động đến kinh tế toàn cầu, khiến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam có thể ảnh hưởng ít nhiều.

“Cần lưu ý đối với thị trường Trung Quốc - đối tác lớn của Mỹ nếu gặp khó khăn khi xuất khẩu vào Mỹ do bị áp thuế, sẽ đẩy mạnh bán ra các thị trường khác, ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam. Bộ Công thương sẽ xem xét, báo cáo Chính phủ để có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong việc đa dạng hóa thị trường trong thời gian tới”, ông Hải cho biết.

Cà phê là nông sản có giá trị xuất khẩu cao thứ hai trong tháng đầu năm 2025

Cà phê là nông sản có giá trị xuất khẩu cao thứ hai trong tháng đầu năm 2025

Nắm bắt ngay yêu cầu của thị trường và phải nhanh chóng thay đổi mình để thích ứng, đó là quan điểm của Chuyên gia kinh tế, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh khi nhận thấy, các đòi hỏi của thị trường đang ngày càng hướng đến bảo vệ môi trường, đảm bảo tiêu dùng xanh cũng như các hoạt động xanh hóa trong điều kiện chung cả thế giới đang hướng đến.

Đặc biệt vị này cho rằng, trong nhiều năm qua hàng hóa nông, lâm, thủy sản xếp hàng dài ở cửa khẩu chờ thông quan nhiều ngày đã gây thiệt hại lớn; hay quá trình vận chuyển hàng hóa đến cửa khẩu nhưng đối tác không nhận... là những rủi ro xuất khẩu tiểu ngạch lặp đi lặp lại nhiều năm. Chính vì vậy, các Bộ, ban, ngành và doanh nghiệp cần chú trọng nhiều hơn vào hoạt động xuất nhập khẩu chính ngạch. Hoạt động này cần phải được thực hiện liên tục và mạnh mẽ hơn nữa ngay trong năm nay và những năm tiếp theo.

Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 1/2025, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 63,15 tỷ USD, giảm 10,5% so với tháng trước và giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó xuất khẩu giảm 4,3%, nhập khẩu giảm 2,6%.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1/2025 đạt 33,09 tỷ USD, giảm 6,9% so với tháng trước. Khu vực kinh tế trong nước đạt 9,49 tỷ USD, giảm 11,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 23,6 tỷ USD, giảm 5,0%.

So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1 giảm 4,3%, trong đó, khu vực kinh tế trong nước giảm 0,9%, chiếm 28,7% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 5,5%, chiếm 71,3%.

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/my-ap-thue-bo-sung-xuat-khau-cua-viet-nam-anh-huong-ra-sao-post1154051.vov