Mỹ áp thuế đối ứng 46% với Việt Nam: Đâu là 'chìa khóa' để vượt qua 'cú sốc'?

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức công bố áp dụng mức thuế đối ứng lên hàng loạt nền kinh tế, trong đó Việt Nam chịu mức thuế cao nhất lên đến 46%. Đây là động thái gây chấn động mạnh đến nền kinh tế toàn cầu, đồng thời đặt ra nhiều thách thức lớn đối với nền kinh tế Việt Nam.

Áp mức thuế “hủy diệt” 46%

Rạng sáng 3/4 theo giờ Việt Nam, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố mức thuế đối ứng sẽ áp dụng với hàng chục nền kinh tế, trong đó Việt Nam chịu mức thuế cao nhất. Theo thông tin từ Chính quyền Mỹ, lý do Việt Nam bị áp mức thuế đối ứng cao nhất chủ yếu đến từ việc Mỹ đánh giá Việt Nam hưởng lợi từ chính sách thương mại không công bằng, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu bằng các biện pháp trợ cấp. Ngoài ra, Việt Nam cũng được xem là một trong những quốc gia có mức thặng dư thương mại cao với Mỹ, tương tự Trung Quốc trong những năm trước.

Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm hơn 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của quốc gia. Việc Mỹ đưa ra quyết định áp đặt mức thuế mới 46% lên hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam có thể gây ra những tác động nghiêm trọng đối với nền kinh tế Việt Nam. Bị đánh thuế cao sẽ làm giảm sức cạnh tranh của hàng Việt Nam, dẫn đến nguy cơ sụt giảm đơn hàng và doanh thu cho doanh nghiệp. Thuế cao sẽ làm gia tăng chi phí sản xuất, buộc các doanh nghiệp phải tìm cách điều chỉnh chi phí, có thể bao gồm việc chuyển hướng thị trường hoặc tăng giá bán.

Với mức thuế 46%, các sản phẩm Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì cạnh tranh trên thị trường Mỹ bởi giá sản phẩm trở nên đắt hơn và khó thu hút khách hàng tại Mỹ. Đặc biệt là các mặt hàng chủ lực như dệt may, giày dép, điện tử, đồ gỗ và nông sản...

Việc áp thuế cao như vậy không chỉ tác động đến các ngành xuất khẩu mà còn kéo theo những hệ lụy cho chuỗi cung ứng toàn cầu, thị trường tài chính, và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Trả lời báo chí, TS.Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia cho rằng, việc Mỹ áp mức thuế 46% cho 90% hàng hóa từ Việt Nam là mức thuế hủy diệt. Mức thuế này sẽ ảnh hưởng đến nhiều góc độ khác nhau của nền kinh tế.

Theo TS. Cấn Văn Lực, Việt Nam có 5 nhóm ngành chính (chiếm 64,3% tổng kim ngạch xuất khẩu vào Mỹ năm 2024), gồm Điện tử (các mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện (chiếm 28,6% tổng kim ngạch xuất khẩu); Dệt may, da giầy (chiếm 21,9%); Gỗ và sản phẩm từ gỗ (chiếm 7,6%); Nông - thủy - hải sản (chiếm 3,5%); Thép và nhôm (chiếm 2,7%) sẽ bị tác động mạnh nhất trong đợt áp thuế này.

Ngoài tác động đến xuất khẩu và tăng trưởng, chính sách tăng thuế của Mỹ còn khiến giá cả tăng, áp lực lạm phát và tỷ giá gia tăng, thị trường chứng khoán và tiền tệ biến động nhiều hơn như nhiều quốc gia khác đang gặp, đòi hỏi điều hành chính sách nhanh nhạy, chủ động và kịp thời hơn. Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, mức thuế này vẫn còn đàm phán đến 9/4, song Việt Nam cũng cần có kịch bản cụ thể cho các mức thuế khác nhau.

Đa dạng hóa thị trường, đàm phán thương mại là chìa khóa

Để giảm thiểu tác động từ việc Mỹ áp thuế, Việt Nam cần tập trung vào việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Việc phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường duy nhất là Mỹ sẽ khiến Việt Nam dễ bị tổn thương trước các thay đổi trong chính sách thương mại của quốc gia này. Chính phủ và các doanh nghiệp cần đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường khác như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, và các quốc gia ASEAN. Việc tham gia vào các hiệp định thương mại tự do như EVFTA (Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu) hay RCEP (Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực) sẽ tạo ra những cơ hội mới và giúp giảm sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ.

Theo các chuyên gia, việc Mỹ áp thuế 46% đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam là một thách thức lớn đối với nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực duy trì và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, với chiến lược đa dạng hóa thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải cách môi trường đầu tư và tăng cường hợp tác quốc tế, Việt Nam có thể vượt qua khó khăn này. Những nỗ lực trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, và xây dựng một nền kinh tế độc lập và tự chủ sẽ giúp Việt Nam duy trì sự phát triển bền vững trong tương lai.

Việc Mỹ áp thuế đối ứng 46% lên hàng hóa Việt Nam là một thách thức lớn đối với nền kinh tế và doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, với sự chủ động của Chính phủ và nỗ lực của doanh nghiệp, Việt Nam vẫn có thể tìm ra các hướng đi phù hợp để thích nghi và phát triển trong bối cảnh mới. Việc đa dạng hóa thị trường, cải thiện chuỗi cung ứng và thúc đẩy đàm phán thương mại sẽ là những chìa khóa giúp Việt Nam vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Ánh Phương/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/my-ap-thue-doi-ung-46-voi-viet-nam-dau-la-chia-khoa-de-vuot-qua-cu-soc-post1189240.vov