Washington dự định sẽ cung cấp tên lửa chống radar tầm xa AGM-88G AARGM-ER có biệt danh "sát thủ S-400" cho Ba Lan và Hà Lan, Lầu Năm Góc đã chính thức gửi thông báo tới Quốc hội Mỹ.
Các tên lửa AGM-88G AARGM-ER sẽ được cung cấp như một phần của chương trình Bán hàng quân sự nước ngoài (FMS). Hiện tại mọi quy trình cần thiết đã được Bộ Ngoại giao Mỹ phê duyệt.
Ba Lan sẽ nhận được tổng cộng 360 tên lửa AARGM-ER trị giá 1,275 tỷ USD, Hà Lan sẽ nhận 265 tên lửa loại này trị giá 700 triệu USD, bao gồm cả gói hỗ trợ đào tạo và đảm bảo kỹ thuật.
Động thái trên đang khiến giới chức quân sự Nga cảm thấy lo lắng, bởi số lượng lớn tên lửa chống radar tầm xa nói trên có thể vô hiệu hóa tiềm năng phòng không của vùng lãnh thổ hải ngoại Kaliningrad nếu nổ ra xung đột.
Về nguồn gốc vũ khí trên, vào năm 2015, Công ty Orbital ATK đã giới thiệu biến thể tên lửa chống radar tăng tầm AARGM-ER với nhiều tính năng kỹ chiến thuật vượt trội so với AGM-88E thế hệ trước.
Sang năm 2016, tên lửa AARGM-ER đã được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó là ông Ashton Carter đưa vào chương trình trang bị và được Tập đoàn Northrop Grumman tiếp nhận vào năm 2018.
Vào tháng 3/2019, Bộ Quốc phòng Mỹ đã chính thức trao cho Northrop Gumman hợp đồng trị giá 322,5 triệu USD để nghiên cứu và sản xuất tên lửa chống radar AGM-88G dựa trên nền tảng AARGM-ER.
Tên lửa chống radar tiên tiến AGM-88G đã chính thức được hoàn thành vào năm 2023 để tích hợp vào các nền tảng máy bay chiến đấu bao gồm F/A-18E/F Super Hornet và F-35A/C Lightning II.
Sau khi đi vào trực chiến, tên lửa AGM-88G sẽ là vũ khí chủ lực của tiêm kích Mỹ trong chiến thuật chế áp phòng không đối phương (SEAD) cũng như vô hiệu hóa chiến thuật chống tiếp cận/chống xâm nhập A2/AD.
Tầm bắn của tên lửa chống radar AGM-88G chưa được công bố rõ ràng nhưng dự kiến nó sẽ xa hơn rất nhiều so với con số 150 km của phiên bản AGM-88E hiện nay (có thông tin cho rằng con số thực tế là 300 km).
Nhưng vì đầu dò radar thụ động chỉ có tầm trinh sát không cao, cho nên tên lửa AGM-88G sẽ có khả năng tự hành như một tên lửa hành trình thông qua bộ thu tín hiệu định vị vệ tinh GPS để tiến vào vị trí dự kiến.
Đầu dò radar thụ động của tên lửa AGM-88G có độ nhạy rất cao và cực kỳ chính xác, nó còn có khả năng xác định vị trí chính xác kể cả sau khi đài phát đã tắt máy.
Tên lửa chống radar AGM-88G kế thừa khả năng vô hiệu hóa đầu đạn như phiên bản AGM-88E nhằm tránh gây ra thiệt hại ngoài ý muốn, động năng của quả đạn vẫn đủ sức hủy diệt đài radar đối phương.
Vũ khí này còn được trang bị thuật toán mới chống các phương pháp gây nhiễu, có khả năng xác định trước thiệt hại của đối phương một cách chính xác, cung cấp năng lực tác chiến chống radar hoàn chỉnh nhất từ trước tới nay.
Theo đánh giá từ giới chuyên gia quân sự quốc tế, khi đối đầu tên lửa chống radar cao tốc AGM-88G, đối phương kể cả tắt hoàn toàn đài phát cũng vẫn có khả năng bị nó tiêu diệt với xác suất cao.