Mỹ ban hành cảnh báo về nhiệt tới hơn 100 triệu người

Mỹ đã ban bố cảnh báo trên khắp 28 tiểu bang - nơi sinh sống của 105 triệu người - khi dự báo nhiều nơi tại nước này chứng kiến cái nóng trên 38 độ C trong những ngày tới.

Giữa lúc người dân ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương đang phải làm quen với cái nóng 38 độ C, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố biến đổi khí hậu là “mối nguy hiểm rõ ràng và ngay lập tức” với thế giới.

Tuy nhiên, vài ngày sau khi vấp phải thất bại trong chính sách khí hậu tại Quốc hội, ông Biden chỉ hứa hẹn biện pháp mở rộng các dự án năng lượng gió ngoài khơi, nhưng không đưa các hành động cụ thể khác.

“Hãy để tôi nói rõ: Biến đổi khí hậu là trường hợp khẩn cấp”, tổng thống Mỹ cho hay. “Trong những tuần tới, tôi sẽ sử dụng quyền lực để biến lời nói thành hành động của chính phủ. Khi đề cập tới việc chống biến đổi khí hậu, tôi sẽ không chấp nhận câu trả lời ‘không’”.

Tuy vậy, rõ ràng là thời tiết cực đoan không đợi chờ áp dụng chính sách rồi mới xảy ra. Tại Mỹ, hơn 60 triệu người có thể sẽ trải qua mức nhiệt trên 3 con số (tính bằng độ F, khoảng trên 38 độ C) trong tuần tới, theo Washington Post.

Nước Mỹ chìm trong nắng nóng

Các khuyến cáo và cảnh báo về nhiệt đã được ban bố tới khắp 28 tiểu bang - nơi sinh sống của 105 triệu người - ở Trung và Đông Bắc nước Mỹ, trải dài từ California tới New Hampshire. Thời tiết không chỉ nóng mà độ ẩm còn lên cao có khả năng dẫn đến các bệnh dễ mắc khi nắng nóng hoặc sốc nhiệt.

Trong tháng 7, cơ quan cứu hỏa thành phố Oklahoma đã trả lời khoảng 300 cuộc gọi liên quan đến cháy khi điều kiện thời tiết vừa nóng vừa khô. Các nhân viên cứu hỏa cũng tiếp nhận hơn 100 cuộc gọi y tế - hầu hết là tình trạng mất nước - liên quan đến nắng nóng trong nửa đầu tháng 7.

Sức nóng ngày càng nguy hiểm đến mức cơ quan này đã yêu cầu điều động thêm đơn vị đến hiện trường vụ cháy nhằm giảm thời gian hoạt động ngoài trời của nhóm ứng cứu tới hiện trường đầu tiên.

Các nhân viên cứu hỏa cũng cần thực hiện theo đúng khuyến cáo mà họ đưa ra: Mặc quần áo mỏng nhẹ và ở trong nhà. Nhóm tình nguyện hỗ trợ người bị say nắng, cũng như chuyển nước và đồ uống dùng trong vận động thể thao tại các trạm cứu hộ.

 Công nhân xây dựng làm việc dưới trời nắng như thiêu đốt ở Dallas, Texas, hôm 12/7. Ảnh: Reuters.

Công nhân xây dựng làm việc dưới trời nắng như thiêu đốt ở Dallas, Texas, hôm 12/7. Ảnh: Reuters.

Dallas, Oklahoma City và Tulsa đều có thể đạt tới 43 độ C trong những ngày tới. Trong khi đó, Mangum ở tây nam Oklahoma đã đạt mốc 46 độ C lúc 17h55 chiều 19/7.

“Chúng ta đang ở trong đợt nắng nóng thứ 3, với mức nhiệt cao hơn trung bình ở trung tâm nam Texas”, Keith White - nhà khí tượng học tại Dịch vụ dự báo thời tiết ở Austin - cho biết.

Texas và Oklahoma xảy ra rất nhiều vụ hỏa hoạn và hạn hán. Dọc theo và đặc biệt là phía tây Xa lộ liên tiểu bang 35, độ ẩm dưới 25%, cộng với gió giật tới 48 km/h đang tạo điều kiện cho đám cháy lan nhanh.

Lý giải nguyên nhân xảy ra hỏa hoạn, ông White đề cập tới thời tiết khô hạn gần đây và mùa xuân đặc biệt ẩm ướt vào năm 2021.

“(Mùa xuân ẩm ướt năm 2021) cho phép thảm thực vật phát triển hơn mức bình thường, sau đó lại trải qua một mùa đông, mùa xuân và mùa hè khô hạn, khiến mọi thứ dễ bắt lửa”, ông White nói.

Càng gần Vùng Duyên hải Vịnh Mexico, độ ẩm càng cao. Mặc dù nhiệt độ ghi nhận có thể dao động 36-39 độ C, độ ẩm cao có thể khiến chỉ số nhiệt (heat index - cơ thể cảm nhận thực tế) đạt đỉnh 40 độ C.

Trong tháng này, John Sappington - hướng dẫn viên câu cá lâu năm tại Branson, Missouri - đã phải từ chối khách hàng vì nắng nóng khắc nghiệt. Anh không thể để khách ngồi trên mặt nước từ sáng sớm đến tối muộn. “Thực sự rất khó chịu khi ngồi như vậy”, anh Sappington nói.

Cơ quan dự báo hiện tượng “vòm nhiệt” sẽ dịch chuyển về phía đông nước Mỹ trong những ngày tới. Tuy nhiên, hiện tượng này sẽ không sớm kết thúc, do đó nhiệt độ không thể hạ ngay lập tức. Tại Oklahoma City, Tulsa, Dallas, Wichita Falls, Houston, Austin và Little Rock, nhiệt độ cao sẽ duy trì ở khoảng 38 độ trong ít nhất tuần tới.

Các khuyến cáo về nhiệt trải dài từ Delaware qua khu vực New York đến miền Nam New Hampshire hôm 20/7. Sự kết hợp giữa hơi nóng và độ ẩm cao sẽ khiến cảm nhận thực tế lên tới 35-38 độ với người dân ở phía bắc và 38-41 độ với người ở phía nam.

Trong khi đó, phía Bờ Đông cuối tuần này cũng không thể trốn khỏi cái nóng.

 Bản đồ dự báo nhiệt hôm 19/7 ở châu Âu và Mỹ. Ảnh: Washington Post.

Bản đồ dự báo nhiệt hôm 19/7 ở châu Âu và Mỹ. Ảnh: Washington Post.

Nhiều người thiệt mạng vì nắng nóng ở châu Âu

Đợt nắng nóng của Mỹ trùng với thời điểm châu Âu cũng đang chứng kiến thời tiết cực đoan nhất lịch sử.

Thời tiết nóng như thiêu đốt đã cướp đi sinh mạng của hơn 1.000 người, gây ra cháy rừng và khiến 40.000 người phải sơ tán. 34 trạm thời tiết phá vỡ ngưỡng 38,7 độ C ở Anh, trong khi có nơi ghi nhận 40 độ C - mức cao nhất mà Anh từng trải qua.

Vào năm 2020, Cơ quan Khí tượng của Anh đã đưa ra dự báo rằng nhiệt độ như vậy sẽ trở nên phổ biến vào năm 2050 do biến đổi khí hậu.

Nikos Christidis, một nhà khoa học khí hậu của Cơ quan Khí tượng Anh, cho biết: "Khả năng nhiệt độ vượt quá 40 độ C ở bất kỳ nơi nào trên nước Anh trong năm cũng đang tăng lên nhanh chóng. Ngay cả với cam kết hiện tại về cắt giảm khí thải, những hiện tượng cực đoan như vậy có thể diễn ra 15 năm một lần trong thế kỷ XXI".

Tác động của thời tiết khắc nghiệt ngày càng trở nên rõ ràng. Chỉ riêng Bồ Đào Nha đã báo cáo hơn 1.000 trường hợp tử vong liên quan đến nắng nóng.

Ban nhạc Pearl Jam của Mỹ thậm chí còn phải hủy buổi biểu diễn tối 20/7 ở Vienna, Áo với lý do sức nóng, khói bụi từ buổi biểu diễn ngoài trời ở Paris đã ảnh hưởng đến cổ họng của thành viên Eddie Vedder. Hôm 19/7 đánh dấu lần đầu tiên thủ đô của Pháp vượt quá 40 độ C.

Đường băng bị chảy nhựa vì nắng nóng kỷ lục ở Anh Sân bay Luton, Anh, hôm 18/7 đã phải dừng hoạt động trong vài giờ để sửa chữa một đoạn đường băng bị chảy nhựa do nắng nóng kỷ lục, lên tới trên 37 độ C.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/my-ban-hanh-canh-bao-ve-nhiet-toi-hon-100-trieu-nguoi-post1337896.html