Mỹ bắt giam chủ mưu vụ đánh bom chuyến bay Pan Am 103 năm 1988
Vụ bắt giữ Abu Agila Mohammad Mas'ud Kheir Al-Marimi là một cột mốc trong vụ điều tra vụ đánh bom chuyến bay Pan Am 103 trên vùng trời Scotland hồi năm 1988.
Các quan chức Mỹ không cho biết bằng cách nào điệp viên Mas’ud bị bắt giam ở Mỹ, nhưng hồi cuối tháng 11, giới truyền thông Libya đưa tin một nhóm người có vũ trang đã bắt cóc ông ta từ nhà ông ta ở thủ đô Tripoli của Libya. Thông tin này dẫn một tuyên bố của gia đình ông ta cáo buộc chính quyền Libya im lặng về vụ bắt cóc.
Mas’ud là một sĩ quan tình báo Libya bị cáo buộc thực hiện vụ tấn công khiến chuyến bay Pan Am 103 rơi xuống vùng đất Lockerbie (Scotland) làm chết thêm 11 người, sau khi 259 người chết lúc máy bay nổ trên trời.
Chuyến bay Pan Am 103 bị nổ trên vùng trời Lockerbie chưa đầy một giờ sau khi cất cánh từ London (Anh) đi New York (Mỹ) ngày 21.12.1988.
Nhóm 270 hành khách thiệt mạng thuộc 21 quốc gia, và trong 190 người Mỹ chết có 35 sinh viên đại học Syracuse đang bay về nhà mừng đón Lễ Giáng sinh sau một học kỳ ở nước ngoài.
Mas’ud đã bị Mỹ bắt giam và sẽ bị tòa án liên bang xét xử hai tội danh hình sự liên quan vụ đánh bom chuyến bay Pan Am 103, theo tuyên bố hôm 11.12 của Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ).
Dù Mas’ud là sĩ quan tình báo Libya thứ ba bị buộc tội ở Mỹ do liên quan vụ tấn công chuyến bay, ông ta sẽ là người đầu tiên xuất hiện trước tòa án Mỹ để bị truy tố. Ông ta từng bị Mỹ buộc tội vào ngày 21. 12.2020, lúc ông ta đang bị giam nhốt ở Libya.
Cuộc điều tra của Mỹ có bước đột phá vào năm 2017, khi các quan chức Mỹ nhận được bản sao của một cuộc thẩm vấn, qua đó cho thấy Mas’ud là một chuyên gia về chất nổ giàu kinh nghiệm của tình báo Libya, bị giao nộp cho cơ quan hành pháp Libya hồi năm 2012 sau khi ông ta bị bắt tiếp sau việc chính quyền Đại tá Moammar Gadhafi bị sụp đổ.
Các quan chức Mỹ nói trong cuộc thẩm vấn này, Mas’ud thú nhận đã tạo quả bom tấn công chuyến bay Pan Am, và cùng hai đồng nghiệp thực hiện vụ tấn công. Ông ta còn khai cơ quan tình báo Libya đã ra lệnh thực hiện vụ đánh bom này, và Đại tá Gadhafi đã cảm ơn nhóm tấn công.
Cáo trạng của Cục Điều tra Liên bang (FBI) viết Mas’ud đã khai với cơ quan bảo vệ pháp luật Libya: ông ta bay đến Malta để gặp hai thành viên nhóm tấn công là Abdel Baset Ali al-Megrahi và Lamen Khalifa Fhimah.
Ở đó, Mas’ud giao Fhimah một chiếc cặp Samsonite cỡ trung bình có chứa một quả bom đã cài giờ để nổ đúng 11 giờ sau, rồi ông ta bay trở về Libya.
Ban đầu, chính quyền Libya từ chối giao nộp hai sĩ quan tình báo Al-Megrahi và Fhimah, nhưng rồi họ đồng ý giao nộp họ cho một nhóm thẩm phán Scotland xét xử ở Hà Lan, theo một thỏa thuận đặc biệt.
Kết quả là Fhimah được xử trắng án. Al-Megrahi bị tuyên án tù chung thân, nhưng chính quyền Scotland trả tự do cho ông ta vì lý do nhân đạo hồi năm 2009, sau khi ông ta được chẩn đoán bị ung thư tuyến tiền liệt. Sau này ông ta vẫn khẳng định vô tội, và qua đời tại Tripoli.
Vụ đánh bom chuyến bay Pan Am 103 cho thấy mối đe dọa khủng bố quốc tế đã có từ hơn 10 năm trước khi xảy ra vụ không tặc tấn công nước Mỹ ngày 11.9.2001.
Những cuộc điều tra cấp toàn cầu đã được mở cùng các cuộc cấm vận trừng phạt, đồng thời người thân của những hành khách tử nạn cũng đòi hỏi phải buộc tội những thủ phạm.
Bà Stephanie Bernstein có chồng là một quan chức DOJ có mặt trên chuyến bay định mệnh nhân một chuyến công tác, nói tin bắt sĩ quan tình báo Libya là “siêu hiện thực” vì trong thời gian qua, người thân của các hành khách tử nạn đã nhiều lần được cho biết “cuộc điều tra rất có hứa hẹn” nhưng rồi họ lại phải thất vọng.