Mỹ bất ngờ 'phanh gấp' việc công bố kế hoạch hòa bình Nga-Ukraine

Tờ The Telegraph đưa tin, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tạm dừng kế hoạch hòa bình cho Ukraine để trao cho châu Âu một ghế tại bàn đàm phán. Trước đó, đặc phái viên Keith Kellogg cho biết, kế hoạch này sẽ được công bố khi ông tham dự Hội nghị an ninh Munich vào tuần tới.

Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về vấn đề Nga-Ukraine, Tướng Keith Kellogg, đã hứa sẽ tổ chức các cuộc đàm phán riêng với các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trước khi hoàn thiện kế hoạch chấm dứt xung đột được mong đợi từ lâu.

Đặc biệt, trong các cuộc đàm phán với các nhà ngoại giao châu Âu, ông Kellog cho biết sẽ lưu tâm đến ý kiến về hình thức của bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào và những đóng góp mà các chính phủ sẽ dành cho tiến trình này. Ông cũng cam kết sẽ đàm phán với "các thủ tướng và tổng thống" của quốc gia thành viên NATO nhằm trấn an những người lo sợ bị Washington loại khỏi các cuộc đàm phán.

Trước đó, đặc phái viên Mỹ về vấn đề Nga-Ukraine cho biết sẽ công bố các yếu tố của kế hoạch hòa bình tại Hội nghị An ninh Munich ở Đức vào cuối tuần này. Tờ The Telegraph lý giải đây sẽ là lời đề nghị tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Kiev để đổi lấy quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên đất hiếm của Ukraine.

Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về vấn đề Nga-Ukraine, Tướng Keith Kellogg. Ảnh: Getty

Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về vấn đề Nga-Ukraine, Tướng Keith Kellogg. Ảnh: Getty

Các quan chức châu Âu tham gia hội đàm với Tướng Kellogg đều được trấn an rằng Washington cam kết tăng cường ảnh hưởng của Ukraine trong bất kỳ cuộc đàm phán tương lai nào với Nga, The Telegraph dẫn các nguồn tin thân cận cho biết.

Tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ chấm dứt xung đột Nga-Ukraine trong vòng 24 giờ sau khi nhậm chức vào ngày 20/1. Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra và Tướng Kellogg được gia hạn thêm 100 ngày để làm trung gian cho một thỏa thuận hòa bình, sau khi ông được bổ nhiệm làm đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về vấn đề Ukraine.

Quá trình này có thể tiếp tục bị trì hoãn do Tướng Kellogg đang lên kế hoạch gặp gỡ các nhà lãnh đạo của 31 quốc gia thành viên NATO. Ngoài ra, cũng có dấu hiệu cho thấy đã có những vết rạn nứt trong mối quan hệ giữa ông Trump và đặc phái viên của mình, khi ông Kellogg không hề hay biết về cuộc gặp đã được Tổng thống Mỹ lên lịch với nhà lãnh đạo Ukraine Volodymyr Zelensky. Điều này làm dấy lên lo ngại về mức độ ảnh hưởng của ông Kellog đối với Tổng thống Trump, cũng như khả năng của ông trong vai trò làm trung gian cho một thỏa thuận hòa bình.

Sự chậm trễ trong các cuộc đàm phán diễn ra trong bối cảnh Nga phát tín hiệu rằng đối thoại với Mỹ cũng đang bế tắc. Moscow tuyên bố họ chưa nhận được bất kỳ đề xuất nào đủ sức thuyết phục để tham gia đàm phán.

Cuối tuần trước, Tổng thống Trump cho biết ông đã thảo luận với người đồng cấp Nga Putin. Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn với tờ New York Post, ông Trump từ chối tiết lộ thời điểm cuộc trò chuyện diễn ra.

Đáp lại, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Galuzin nhấn mạnh: “Điều quan trọng là lời nói phải đi đôi với hành động, tính đến lợi ích hợp pháp của Nga và gắn chặt với cam kết giải quyết tận gốc cuộc khủng hoảng, đồng thời phải phù hợp với thực tế mới. Hiện chúng tôi vẫn chưa nhận được bất kỳ đề xuất cụ thể nào".

Cung trong tuần trước, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết các cuộc đàm phán với chính quyền Trump đã có dấu hiệu gia tăng. Trước đó, Moscow yêu cầu Ukraine giảm đáng kể quy mô lực lượng vũ trang và cam kết không gia nhập NATO hoặc Liên minh châu Âu như một điều kiện cho hòa bình. Tuy nhiên, Tổng thống Zelensky kiên quyết bác bỏ những nhượng bộ này, cho rằng chúng sẽ khiến Ukraine dễ bị tổn thương trước các cuộc tấn công tiếp theo của Nga.

Thái độ cứng rắn của Moscow diễn ra ngay trước tuần lễ ngoại giao quan trọng giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu. Phó Tổng thống Mỹ JD Vance và Tướng Kellogg dự kiến sẽ đến Đức để gặp gỡ ông Zelensky cùng các lãnh đạo châu Âu, bao gồm Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. Cùng thời gian đó, NATO sẽ tổ chức cuộc họp đầu tiên của các bộ trưởng quốc phòng kể từ khi ông Pete Hegseth tiếp quản Lầu Năm Góc. Giống như Tổng thống Trump, ông Hegseth từng công khai bày tỏ hoài nghi về chính sách viện trợ của Washington dành cho Ukraine.

Lần đầu tiên, Anh sẽ chủ trì cuộc họp của Nhóm Ramstein có sự tham gia 50 quốc gia ủng hộ Ukraine. Trong khi đó, quyền lãnh đạo Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine đã được chuyển giao cho ông John Healey, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, sau khi Washington đề xuất để London dẫn đầu các nỗ lực của NATO tại châu Âu.

Diệp Thảo/VOV.VN (biên dịch) Theo The Telegraph

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/my-bat-ngo-phanh-gap-viec-cong-bo-ke-hoach-hoa-binh-nga-ukraine-post1153942.vov