Tổng thống Zelensky ra 'tối hậu thư' với phương Tây

Tổng thống Volodymyr Zelensky đưa ra lựa chọn đầy áp lực đó là hoặc phương Tây cho Ukraine gia nhập NATO, hoặc phải trả lại vũ khí hạt nhân để đảm bảo an ninh.

Theo QQnews, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vừa đưa ra tuyên bố gây chấn động trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông, khi yêu cầu phương Tây phải lựa chọn: Hoặc để Ukraine gia nhập NATO, hoặc trả lại các vũ khí hạt nhân cùng hệ thống tên lửa mà quốc gia này đã từ bỏ sau khi Liên Xô tan rã. Tuyên bố này được cho là động thái gia tăng áp lực trong bối cảnh chiến sự Nga - Ukraine tiếp tục căng thẳng, đồng thời đặt các đồng minh phương Tây vào thế khó xử.

Khủng hoảng an ninh và tối hậu thư của Ukraine

Cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine bùng nổ từ năm 2014, nhưng đỉnh điểm căng thẳng là khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự toàn diện vào đầu năm 2022. Trong bối cảnh đó, Ukraine đã nhiều lần nỗ lực gia nhập NATO, hy vọng rằng liên minh quân sự này sẽ mang lại một lá chắn bảo vệ mạnh mẽ trước các mối đe dọa từ Nga. Tuy nhiên, việc gia nhập NATO chưa bao giờ là một cánh cửa dễ mở đối với Ukraine, bởi đây là khu vực nhạy cảm về địa chính trị, dễ dàng châm ngòi cho xung đột lớn hơn.

Chiến sự Nga-Ukraine vẫn diễn ra căng thẳng. Ảnh: Getty

Chiến sự Nga-Ukraine vẫn diễn ra căng thẳng. Ảnh: Getty

Tuyên bố của ông Zelensky không đơn thuần chỉ là lời kêu gọi mà được ví như một tối hậu thư. Nếu NATO không chấp nhận Ukraine trong vòng 10 năm tới, ông cho rằng việc phục hồi vũ khí hạt nhân là điều cần thiết để đảm bảo an ninh quốc gia. Đồng thời, ông cũng kêu gọi các nước phương Tây tài trợ cho Ukraine xây dựng lực lượng quân đội 1 triệu người và đưa quân đội nước ngoài tới đóng quân trong lãnh thổ Ukraine.

Tuy nhiên, những phát ngôn này không tránh khỏi sự chỉ trích từ Nga. Bà Maria Zakharova, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, gọi ông Zelensky là "một kẻ mất trí sử dụng hạt nhân như công cụ tống tiền". Trong khi đó, phương Tây cũng tỏ ra dè dặt với các yêu cầu từ phía Ukraine, bởi vấn đề vũ khí hạt nhân là một lằn ranh đỏ không dễ vượt qua.

Hồi kết của kho vũ khí hạt nhân Ukraine và bài toán tương lai

Khi Liên Xô sụp đổ, Ukraine thừa hưởng kho vũ khí hạt nhân khổng lồ với hơn 1.700 đầu đạn, trở thành cường quốc hạt nhân lớn thứ ba thế giới. Tuy nhiên, vào năm 1994, Ukraine đã từ bỏ kho vũ khí này thông qua Bản ghi nhớ Budapest, ký kết với Nga, Mỹ và Anh. Đổi lại, các quốc gia này cam kết đảm bảo an ninh cho Ukraine. Quyết định từ bỏ vũ khí hạt nhân của Ukraine dựa trên hai lý do chính:

Thứ nhất, theo khuôn khổ Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), việc sở hữu vũ khí hạt nhân có thể khiến Ukraine bị cộng đồng quốc tế cô lập và chịu các lệnh trừng phạt nặng nề. Thứ hai, chi phí duy trì kho vũ khí này quá cao, ước tính lên tới 30-40 tỷ USD mỗi năm, trong khi GDP của Ukraine vào thời điểm đó chỉ đạt khoảng 70 tỷ USD.

Vũ khí của phương Tây chờ chuyển đến Ukraine. Ảnh: Getty Images

Vũ khí của phương Tây chờ chuyển đến Ukraine. Ảnh: Getty Images

Dẫu vậy, câu chuyện không khép lại ở đó. Kể từ năm 2014, khi xung đột với Nga leo thang, tại Ukraine đã xuất hiện nhiều ý kiến kêu gọi phục hồi vũ khí hạt nhân. Một số chuyên gia trong nước vẫn lưu giữ các bản thiết kế và kiến thức kỹ thuật cần thiết. Điều này khiến khả năng Ukraine tái trang bị hạt nhân không còn là viễn cảnh xa vời.

Tuy nhiên, phương Tây, đặc biệt là Mỹ, luôn phản đối mạnh mẽ ý tưởng này. Một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân mới sẽ làm gia tăng căng thẳng trong bối cảnh an ninh toàn cầu vốn đã mong manh. Mới đây, đặc phái viên Mỹ Keith Kellogg khẳng định rằng, "không thể có chuyện" Ukraine được sở hữu vũ khí hạt nhân, đồng thời cảnh báo nguy cơ bất ổn chiến lược đối với toàn châu Âu nếu điều này xảy ra.

Lê Minh (Theo QQnews)

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tong-thong-zelensky-ra-toi-hau-thu-voi-phuong-tay-373303.html