Mỹ bị chỉ trích nặng nề khi đầu tư dự án LNG ở Mozambique

Giữa tháng 3, Mỹ công bố khoản 4,7 tỷ USD tiền tài trợ cho dự án LNG ở Mozambique, quyết định này ngày càng vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ nhiều người Mỹ.

Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hoa Kỳ dự kiến sẽ bỏ phiếu cho dự án xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) trị giá gần 5 tỷ USD tại châu Phi, dự án đang bị các nhà lãnh đạo ngành dầu khí Hoa Kỳ phản đối kịch liệt, bao gồm cả cựu bộ trưởng năng lượng của Tổng thống Donald Trump. Ảnh Foxnews

Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hoa Kỳ dự kiến sẽ bỏ phiếu cho dự án xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) trị giá gần 5 tỷ USD tại châu Phi, dự án đang bị các nhà lãnh đạo ngành dầu khí Hoa Kỳ phản đối kịch liệt, bao gồm cả cựu bộ trưởng năng lượng của Tổng thống Donald Trump. Ảnh Foxnews

Việc Mỹ rót 4,7 tỷ USD vào dự án LNG có công suất dự kiến 12,88 triệu tấn/năm (Mtpa) tại Mozambique đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ một số quan chức Mỹ. Với họ thì đây là quyết định sai lầm về chiến lược, nhiều đảng viên Cộng hòa thân cận với Tổng thống Donald Trump cho rằng số tiền này nên được đầu tư vào cơ sở hạ tầng khí đốt trong nước.

Quan điểm này nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và duy trì lợi thế cạnh tranh LNG của Mỹ trên thị trường toàn cầu.

Dự án LNG ở Alaska (20 mtpa), được ông Donald Trump nhấn mạnh trong bài phát biểu trước Quốc hội, coi đây là một phần quan trọng trong chiến lược củng cố vị thế lãnh đạo của Mỹ trong ngành năng lượng LNG toàn cầu. Mục tiêu của dự án là xuất khẩu LNG sang châu Âu và đặc biệt là châu Á. Tuy nhiên, dự án vẫn phải đối mặt với nhiều trở ngại, trước hết là sự phản kháng về môi trường và vấn đề tài chính, điều này càng làm tăng sự bất đồng về việc tài trợ cho dự án LNG tại Mozambique.

Cựu Bộ trưởng Năng lượng thời Donald Trump, Rick Perry, phản đối mạnh mẽ dự án LNG Mozambique, cho rằng quyết định này mâu thuẫn trực tiếp với tầm nhìn năng lượng và học thuyết “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump. Theo ông, tài trợ dự án nước ngoài gây tổn hại đến tham vọng khôi phục vị thế năng lượng của Mỹ, đặc biệt là trên thị trường LNG. Vì vậy, ông Rick Perry cho rằng Ngân hàng Xuất nhập khẩu Mỹ đang đi ngược lại chính sách “Nước Mỹ trên hết”, vốn ưu tiên phát triển và xuất khẩu năng lượng trong nước.Làn sóng chỉ trích trên các phương tiện truyền thông đã gia tăng trong những ngày gần đây, với sự tham gia của các nhân vật nổi bật như Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick, Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer và Chủ tịch Forbes Media Steve Forbes.

Rủi ro địa chính trị của Mozambique làm gia tăng đáng kể những lời chỉ trích. Tình hình đất nước bất ổn do xung đột nội bộ và khủng bố đã khiến các dự án bị đình trệ vào năm 2021. Mặc dù quân đội Rwanda đã can thiệp nhằm đảm bảo an ninh cho khu vực, nhưng tình hình vẫn còn mong manh.

Trước bối cảnh này, việc đầu tư vào một dự án rủi ro như vậy có khả năng gây tổn hại đến lợi ích của Mỹ, dấy lên nhiều nghi vấn. Nhiều người cho rằng các dự án khai thác LNG tại Alaska, ổn định và an toàn hơn, có thể đáp ứng nhu cầu tương tự trên thị trường toàn cầu mà không có những nguy hiểm địa chính trị tiềm ẩn như ở Mozambique.

Ông Rick Perry cũng cảnh báo nếu dự án LNG ở Mozambique đi vào hoạt động, nó sẽ tổn hại đến khả năng cạnh tranh của Mỹ và Canada trên thị trường xuất khẩu LNG ở khu vực bờ biển phía Tây. Ông khẳng định “Mỗi đơn vị khí đốt từ dự án LNG tại Mozambique đều cạnh tranh trực tiếp với các đơn vị khí đốt của Mỹ”, làm nổi bật mối đe dọa cạnh tranh gay gắt mà dự án này gây nên cho xuất khẩu của Mỹ.

Đồng thời, nhà hoạt động bảo vệ người Mỹ Charlie Kirk kêu gọi Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE) đánh giá lại tác động của dự án này đến lợi ích kinh tế và năng lượng của Mỹ. Ông đề xuất giải thể Ngân hàng Xuất nhập khẩu Mỹ. Ông nói thêm “Thuế của người dân Mỹ không nên tài trợ cho các công ty nước ngoài đầu tư ra nước ngoài. Đã đến lúc chấm dứt ngân hàng xuất nhập khẩu”, càng làm tăng thêm tranh cãi về dự án.

Nh.Thạch

AFP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/my-bi-chi-trich-nang-ne-khi-dau-tu-du-an-lng-o-mozambique-725687.html