Mỹ 'buông' Trung Đông, Nga - Trung Quốc lấp khoảng trống
Tướng thủy quân lục chiến Mỹ Frank McKenzie cảnh báo, Nga và Trung Quốc sẽ mở rộng ảnh hưởng ở Trung Đông khi Mỹ thu hẹp sự hiện diện tại đây.
Khi Mỹ thu hẹp sự hiện diện quân sự ở khắp Trung Đông để tập trung vào cuộc cạnh tranh quyền lực với Trung Quốc và Nga thì có nguy cơ Washington trao cơ hội cho hai nước trên lấp đầy chỗ trống và mở rộng ảnh hưởng của họ ở khắp vùng Vịnh, một chỉ huy hàng đầu của Mỹ tại khu vực cho biết.
Theo AP, khi đi khắp Trung Đông vào tuần trước, Tướng thủy quân lục chiến Frank McKenzie, người đứng đầu Bộ chỉ huy trung tâm Mỹ, đã đưa ra một câu hỏi dai dẳng mà ông nhận được từ các lãnh đạo quân sự và chính trị mà ông gặp: Liệu Mỹ có còn cam kết với các quốc gia ở Trung Đông và khu vực này hay không và họ có nhận được nhiều hỗ trợ hơn không.
Từ các chiến trường đầy khói bụi ở Syria tới các vùng lân cận liên tiếp hứng rocket ở Iraq và Ảrập Xêút, các lãnh đạo quân sự và chính trị ở Trung Đông lo lắng rằng việc Mỹ xoay trục sang châu Á có nghĩa là họ sẽ bị bỏ mặc, không còn quân đội, tàu, máy bay và các viện trợ quân sự khác mà họ cần có để chống lại các nhóm chiến binh được Iran hậu thuẫn.
Trong trường hợp Mỹ chậm đáp ứng, họ có thể tìm sự trợ giúp ở nơi khác.
"Trung Đông nói chung là một khu vực cạnh tranh gay gắt giữa các cường quốc. Tôi cho rằng khi Mỹ điều chỉnh lập trường ở khu vực, Nga và Trung Quốc sẽ xem xét rất kỹ để tìm xem liệu có khoảng trống nào mà họ có thể khai khác", ông McKenzie nói với các phóng viên đi cùng. "Tôi nghĩ rằng họ thấy Mỹ thay đổi lập trường để hướng sang các khu vực khác của thế giới và họ cảm thấy có thể có cơ hội ở đó".
Tuyên bố tại phòng khách sạn sau cuộc gặp với các quan chức Ảrập Xêút, ông McKenzie nói, việc buôn bán vũ khí sẽ là một nhu cầu mà Moscow và Bắc Kinh có thể khai thác. Theo vị tướng này, Nga đang cố bán hệ thống phòng không và các vũ khí khác cho bất cứ quốc gia nào có thể. Và rằng, Trung Quốc cũng có mục tiêu lâu dài nhằm mở rộng sức mạnh kinh tế và cuối cùng là thiết lập các căn cứ quân sự trong khu vực.
Trong vòng vài tháng ngắn ngủi kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden lên nắm quyền, ông đã ra lệnh rút toàn bộ quân Mỹ khỏi Afghanistan và bắt đầu xem xét lại sự hiện diện của quân Mỹ ở Iraq, Syria và trên toàn cầu. Chính quyền của Tổng thống Biden đang cắt giảm sự hỗ trợ quân sự của Mỹ cho cuộc tấn công do Ảrập Xêút đứng đầu nhằm chống quân nổi dậy Houthi ở Yemen. Ngoài ra, Lầu Năm Góc cũng di chuyển tàu bè, lực lượng và các hệ thống vũ khí khỏi các quốc gia Trung Đông khác.
Cùng lúc đó, trong tháng này, Tổng thống Biden đã phái các quan chức cấp cao tới vùng Vịnh để trấn an các đồng minh đang lo sợ của mình khi Mỹ có ý định mở lại các cuộc đàm phán với Iran về thỏa thuận hạt nhân năm 2005, vốn bị cựu Tổng thống Donald Trump đã hủy bỏ ba năm trước.
Các nỗ lực tái khởi động đàm phán với Iran của Mỹ đã khiến một loạt quốc gia ở Trung Đông, vốn dựa vào Mỹ để duy trì sức ép với Tehran, lo ngại. Tuy nhiên, đang có những cuộc thảo luận trong Lầu Năm Góc về việc điều thêm lực lượng tới Thái Bình Dương để chống lại một Trung Quốc đang trỗi dậy. Các chỉ huy của Mỹ trên toàn cầu, gồm cả tướng McKenzie, có thể mất quân và tài nguyên do việc này.
Chính quyền của Tổng thống Biden coi sự mở rộng ảnh hưởng kinh tế nhanh chóng cũng như ý chí quân sự của Trung Quốc là thách thức an ninh dài hạn hàng đầu của Mỹ. Các chỉ huy quân sự Mỹ cho rằng sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc khong chỉ giới hạn ở châu Á, đặc biệt là Bắc Kinh đang ráo riết tìm kiếm chỗ đứng ở châu Phi, Nam Mỹ và Trung Đông.