Mỹ 'cân não' tại Trung Đông: Nga, Israel chớp thời cơ
Đã có nhiều lúc, dưới thời Tổng thống Donald Trump, dư luận thấy rõ ràng rằng, cách Mỹ đang tiếp cận an ninh ở Trung Đông rất khác với cách mà họ đã làm trong quá khứ.
Một trật tự an ninh khu vực mới đang xuất hiện, với việc Israel áp dụng cách tiếp cận can thiệp nhiều hơn và đóng vai trò quân sự thay thế một phần mà Washington đã đảm nhiệm trước đây, đặc biệt là liên quan đến Iran.
Israel lấp chỗ trống Mỹ
Những nỗ lực của Israel đối phó với Iran song hành với một số quốc gia Ả Rập diễn ra khi tất cả các bên đang thích ứng với một tình huống mới mà Mỹ quyết định rút dần sự hiện diện quân sự khỏi Trung Đông.
Trang The National cho rằng, trong những năm 1980, chính quyền Reagan đã can thiệp vào vùng Vịnh để đảm bảo tự do hàng hải trong Chiến tranh Iran-Iraq. Hải quân Mỹ hỗ trợ hộ tống các tàu chở dầu thuộc sở hữu của Kuwait bị Iran đe dọa. Tuy nhiên, gần đây, chính quyền Trump đã tìm cách, dù đang rất miễn cưỡng, thành lập một liên minh hộ tống các con tàu đi qua Vịnh. Trong đó, phần lớn công việc sẽ được thực hiện bởi các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ. Nguyên tắc ngày nay của Washington là đẩy gánh nặng lên vai người khác.
Người Israel đã chấp nhận vai trò được tăng cường này, chỉ vì họ hiểu rằng việc Mỹ gia tăng phần nào sự dựa dẫm vào họ sẽ mang lại cho họ nhiều thế mạnh hơn trong cuộc xung đột với người Palestine.
Phạm vi hành động của quân đội Israel dường như được mở rộng. Từ các cuộc tấn công bình thường chống lại các mục tiêu Iran hoặc Hezbollah ở Syria, đã có nhiều thông tin đưa về các cuộc không kích gia tăng của người Israel nhắm vào các mục tiêu ở Iraq, theo tờ báo Al Sharq Al Awsat. Trong khi thông tin này chưa được xác nhận, các nghị sĩ Iraq đã công khai đặt câu hỏi tại sao chính phủ của họ không lên án hay đáp trả các cuộc không kích của Israel.
Việc người Mỹ ngày càng phụ thuộc vào Israel đặt ra nhiều câu hỏi thú vị. Đầu tiên, liệu sự phụ thuộc này có làm Mỹ "ngại ngần" phản đối các động thái của Israel trên mặt trận Palestine bằng mọi cách? Điều này là đáng để nghi ngờ và khi chính quyền Trump liên minh với một bên trong cuộc xung đột giữa người Palestine và Israel thì bất ổn lớn hơn sẽ dễ dàng đến khi người Palestine từ bỏ hy vọng về đàm phán.
Sau đó là câu hỏi về các lựa chọn chính sách của Israel. Trong một khoảng thời gian, rõ ràng Israel đã thích nghi với sự rút lui của Mỹ trong khu vực bằng cách mở rộng các lựa chọn và xây dựng mối quan hệ tốt hơn với nước ngoài, ví dụ, với Nga. Trên thực tế, đã có suy đoán rằng, nếu người Israel tấn công Iraq, họ đã làm như vậy bằng cách bay qua Syria, thì tại sao phòng không Nga không có phản ứng.
Nga tận dụng cơ hội
Có lẽ người Nga đã không thể đáp trả các máy bay chiến đấu tàng hình F-35 được sử dụng trong những vụ tấn công như vậy. Nhưng họ cũng đã nhiều lần không bắn vào máy bay Israel khi chúng đang ném bom các mục tiêu bên trong lãnh thổ Syria. Vậy Nga đang có tính toán gì? Rất có thể Moscow coi cuộc đối đầu giữa Israel và Iran là một cơ hội hoàn hảo để đạt được những lợi ích chính trị của riêng mình trong khu vực, vì vậy sẵn sàng hợp tác với cả hai để mang lại lợi thế cho mình.
Nếu vậy, điều đó ngụ ý rằng chính quyền Trump không có vấn đề thực sự nào với việc Nga thể hiện vai trò lớn hơn ở Trung Đông, và điều này được hiểu là một phần vốn có trong chiến lược của họ nhằm bảo đảm an ninh cho các cường quốc khu vực. Nhưng ở Washington có thực sự đạt được sự đồng thuận về điều này? Nhiều người vẫn coi Nga là một đối thủ lớn trên toàn cầu, thể hiện qua các cáo buộc can thiệp trong cuộc bầu cử năm 2016 của Hoa Kỳ.
Một câu hỏi thứ ba liên quan đến khả năng hạt nhân của Iran. Nếu Iran nối lại chương trình vũ khí hạt nhân, một vấn đề trọng tâm là liệu các cường quốc khu vực có khả năng phá hủy nó hay không trước khi kho vũ khí của nước này đạt đến khả năng nguy hiểm. Nếu cách tiếp cận của Mỹ ngày nay là xoay quanh các cuộc chiến của Mỹ ở Trung Đông, thì bất kỳ quyết định nào của chính quyền Trump hoặc người kế nhiệm sử dụng các biện pháp quân sự sẽ đại diện cho một thất bại lớn đối với tham vọng đó.
Mặt khác, trong quá khứ chỉ có Hoa Kỳ dường như có các phương tiện quân sự để làm tê liệt các cơ sở hạt nhân của Iran. Nếu Israel cố gắng tự mình làm một điều như vậy, họ sẽ thấy mình rơi vào một cuộc xung đột hai mặt trận chống lại Iran và Hezbollah ở Lebanon. Hậu quả sẽ là thảm khốc đối với nhiều quốc gia và trong kịch bản đó, rất ít khả năng người Mỹ sẽ ngồi yên và không làm gì cả. Nói cách khác, sự thảnh thơi của Hoa Kỳ ở khu vực này có thể chỉ được tạm thời.
Thực tế là cách tiếp cận mới của Hoa Kỳ đối với khu vực đặt ra nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời. Nó được thúc đẩy bởi cách nghĩ rằng không nên dính líu vĩnh viễn vào các cuộc xung đột ở Trung Đông. Tuy nhiên, đây không phải là một chiến lược thực sự hiệu quả. Người tiền nhiệm của ông Trump, Barack Obama cũng đã tìm cách rút quân ra khỏi khu vực nhưng rất nhanh sau đó, ông lại bị giam hãm bởi chính khu vực này. Ông Trump có thể sớm phát hiện ra rằng, giống như ông Obama, bạn không luôn luôn có được những gì bạn muốn.
Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/my-can-nao-tai-trung-dong-nga-israel-chop-thoi-co-20190808112545.htm