Mỹ cân nhắc điều chỉnh sự hiện diện quân sự trên toàn cầu

Lầu Năm Góc đang cân nhắc điều chỉnh sự hiện diện quân sự tại Hàn Quốc và trên toàn cầu. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper khẳng định ông chưa ra lệnh rút quân tại Hàn Quốc.

Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến với Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo ngày 21-7, Bộ trưởng Mark Esper cho biết, Mỹ là một quốc gia trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương và việc triển khai binh sĩ theo hình thức luân chuyển cho phép nước này linh hoạt hơn trong việc ứng phó với các thách thức trên toàn cầu. Ông nhấn mạnh, Mỹ sẽ xem xét điều chỉnh binh lính tại mỗi bộ tư lệnh trong từng hoàn cảnh nhằm bảo đảm tối ưu hóa lực lượng quân sự của nước này. Người đứng đầu Lầu Năm Góc cũng phủ nhận thông tin được nhật báo Wall Street công bố vào tuần trước cho rằng, cơ quan này đã đệ trình lên Nhà Trắng một số biện pháp thu hẹp quy mô binh sĩ tại Hàn Quốc. Hiện có 28.500 binh sĩ Mỹ đang đồn trú tại quốc gia Đông Bắc Á này.

Cùng ngày, người phát ngôn của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jonathan Hoffman cũng tái khẳng định việc rà soát lực lượng binh sĩ Mỹ trên toàn cầu. Theo quan chức này, tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về Hàn Quốc là rõ ràng và đây là một quá trình liên tiếp. Mỹ sẽ hợp tác với các đồng minh để thực hiện quy trình này. Ông Hoffman cho biết thêm, việc luân chuyển lực lượng quân sự Mỹ tại châu Á và châu Âu là nhằm gỡ bỏ một số “dấu vết” quân sự đã có từ trước và cho phép binh sĩ Mỹ có cơ hội huấn luyện tại các địa điểm khác thay vì chỉ đồn trú tại một quốc gia trong suốt một thời gian.

 Quân đội Mỹ và Hàn Quốc tham gia một cuộc tập trận chung. Ảnh: Yonhap

Quân đội Mỹ và Hàn Quốc tham gia một cuộc tập trận chung. Ảnh: Yonhap

Trước đó, hồi đầu tháng này, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper đã thông qua phương án rút 9.500 trong tổng số 34.500 binh sĩ đồn trú tại Đức, song không nêu rõ số binh sĩ được trở về Mỹ và được luân chuyển. Tuy nhiên, kế hoạch trên của Mỹ được cho là sẽ gây hậu quả kinh tế không nhỏ cho các địa phương ở Đức. Trong bức thư gửi các nghị sĩ Mỹ mới đây, Thủ hiến 4 bang của Đức gồm Baden-Württemberg, Hessen, Bayern và Rheinland-Pfalz nêu rõ, việc đồn trú của các binh sĩ Mỹ ở Đức là “xương sống” cho sự hiện diện của Mỹ ở châu Âu cũng như khả năng hành động của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Cấu trúc này đã được Mỹ và Đức cùng nhau vun đắp dựa trên quan hệ đối tác hàng chục năm qua, góp phần vào hòa bình ở châu Âu và trên thế giới. Các thủ hiến kêu gọi các nghị sĩ Mỹ hỗ trợ việc củng cố mối quan hệ đối tác giữa Mỹ và Đức, đồng thời “vì tương lai giúp duy trì sự hiện diện của Mỹ ở Đức và châu Âu”.

Bức thư chung đã được thủ hiến 4 bang của Đức ký tên và chuyển tới các nghị sĩ Mỹ trong bối cảnh cơ quan lập pháp Mỹ trong tuần này dự kiến thảo luận về kế hoạch cắt giảm quân số tại Đức.

Trong một diễn biến khác, ngày 21-7, Văn phòng Quản lý và Ngân sách (OMB) tuyên bố, Nhà Trắng sẽ phủ quyết dự luật chính sách quốc phòng hằng năm nếu dự luật này được trình lên Tổng thống Donald Trump do bao gồm một điều khoản hướng dẫn Lầu Năm Góc đổi tên các căn cứ và cơ sở quân sự được đặt theo tên các chỉ huy quân đội miền Nam trong thời kỳ nội chiến Mỹ xưa kia. Tuyên bố nêu rõ chính quyền Tổng thống D.Trump kịch liệt phản đối mục 2829 yêu cầu đổi tên một số cơ sở quân sự, đồng thời bày tỏ quan ngại sâu sắc về một số điều khoản của dự luật đặt ra những thách thức lớn đối với chính quyền trong việc thực thi chiến lược bảo vệ quốc gia hay áp đặt những hạn chế có tính quy định cao trong việc sử dụng quỹ cho Afghanistan.

Theo CNN, có 10 căn cứ quân sự của Mỹ được đặt theo tên của các nhà lãnh đạo liên minh, đó là: Fort Lee, Fort Hood, Fort Benning, Fort Gordon, Fort Bragg, Fort Polk, Fort Pickett, Fort A.P.Hill, Fort Rucker và Camp Beauregard.

BÌNH NGUYÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/binh-luan/my-can-nhac-dieu-chinh-su-hien-dien-quan-su-tren-toan-cau-627708