Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mới đây đã cáo buộc rằng nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia của Ukraine với quy mô lớn nhất châu Âu đang được sử dụng như một loại lá chắn nhằm bảo vệ cho binh sĩ Nga.
Phát biểu trước các nước thành viên Liên hợp quốc trong buổi khai mạc hội nghị Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân lần thứ 10, Ngoại trưởng Blinken đã đưa ra những lời cáo buộc vô cùng mạnh mẽ.
“Có những báo cáo đáng tin cậy, bao gồm cả trên các phương tiện truyền thông quốc tế cũng như tình báo liên quan đến việc Nga đang sử dụng nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia của Ukraine trong vai trò lá chắn".
"Việc quân Nga sử dụng nhà máy điện nguyên tử như một lá chắn hạt nhân là đỉnh cao của sự vô trách nhiệm, có thể gây ra những hậu quả khôn lường cho cả những người lính cũng như cư dân toàn châu Âu".
“Và tất nhiên, binh sĩ Ukraine không thể và sẽ không bắn trả, bởi vì họ sợ rằng sẽ xảy ra một tai nạn khủng khiếp liên quan đến một nhà máy điện hạt nhân quy mô lớn hơn Chernobyl”, ông Blinken nhấn mạnh
Đặc phái viên Nga tại Liên Hợp Quốc đã bác bỏ cáo buộc của Mỹ và nói rằng các binh sĩ nước này đã chiếm để ngăn Quân đội Ukraine sử dụng nhà máy này để thực hiện một cuộc tấn công hạt nhân vào Nga.
“Chúng tôi đã nhiều lần tuyên bố rằng hành động của lực lượng vũ trang Nga không có mục đích làm suy yếu an ninh hạt nhân của Ukraine hoặc cản trở hoạt động thường xuyên của nhà máy điện hạt nhân", Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc tuyên bố.
Moskva còn khẳng định rằng họ chiếm đóng nhà máy điện Zaporizhzhia để “ngăn chặn sự hình thành chủ nghĩa dân tộc cực đoan và lính đánh thuê nước ngoài lợi dụng tình hình hiện tại ở Ukraine để thực hiện một vụ khiêu khích hạt nhân với những hậu quả khó lường nhất”.
Trước diễn biến trên, Ngoại trưởng Mỹ Blinken đã nói rằng Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, tổ chức giám sát việc sử dụng năng lượng hạt nhân của Liên hợp quốc nên được trao quyền tiếp cận nhà máy điện Zaporizhzhia.
Ngoại trưởng Blinken nói thêm, Ukraine đã tự nguyện từ bỏ vũ khí hạt nhân mà họ thừa hưởng từ Liên Xô như một phần của Bản ghi nhớ Budapest năm 1994 . Đổi lại, Mỹ, Anh và Nga nhất trí tôn trọng và bảo vệ “chủ quyền, nền độc lập và tính toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”.
“Thực tế là Nga đã làm ngược lại hoàn toàn khi tấn công Ukraine, công khai tuyên bố xóa bỏ chủ quyền và nền độc lập đó, gửi một thông điệp khủng khiếp đến các quốc gia trên thế giới đang cân nhắc về việc có theo đuổi vũ khí hạt nhân hay không”, ông Blinken nói.
Người đứng đầu IAEA - ông Rafael Grossi cũng cảnh báo về một thảm họa có thể xảy ra. Ông Grossi nhấn mạnh: “Trong khi cuộc chiến này đang diễn ra gay gắt, không hành động là vô lương tâm".
“Nếu một tai nạn xảy ra tại Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở Ukraine, chúng tôi sẽ không có một thảm họa thiên nhiên nào để đổ lỗi. Chúng tôi sẽ chỉ có chính mình để trả lời".
Tổng giám đốc IAEA nói thêm rằng tình hình ở Ukraine là "nghiêm trọng đến mức bóng ma của một cuộc đối đầu hạt nhân tiềm tàng, hoặc tai nạn, lại ngóc đầu trỗi dậy ở mức độ đáng sợ".
Bạch Dương