Mỹ cảnh báo nguy cơ với Afghanistan sau khi Washington rút quân

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng cảnh báo lực lượng Taliban có thể sẽ tìm cách lật đổ Chính phủ Afghanistan sau khi Mỹ rút quân khỏi quốc gia Tây Nam Á này.

Ngày 7-3, tờ Al Jazeera dẫn lời Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh quân đội Mỹ đã hiện diện và bảo đảm an ninh cho Afghanistan trong gần hai thập niên qua. Tình trạng đó sẽ không thể tiếp tục và Chính phủ Afghanistan phải tự gánh vác trách nhiệm này. “Chúng tôi không thể ở đó thêm 20 năm nữa. Họ sẽ phải tự bảo vệ chính mình”, ông chủ Nhà Trắng phát biểu với báo giới.

Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump cũng thừa nhận, ông không rõ liệu rằng Chính phủ Afghanistan có đủ khả năng gánh vác trách nhiệm đó hay không. “Tôi không biết. Tôi không thể trả lời cho câu hỏi này. Chúng ta sẽ phải xem chuyện gì xảy ra”, Tổng thống Donald Trump cho biết.

 Khói bốc lên sau vụ tấn công của IS tại thủ đô Kabul vào ngày 6-3. Ảnh: AFP.

Khói bốc lên sau vụ tấn công của IS tại thủ đô Kabul vào ngày 6-3. Ảnh: AFP.

Những phát biểu nói trên của Tổng thống Donald Trump được đưa ra trong bối cảnh Mỹ và lực lượng Taliban đã ký kết thỏa thuận hòa bình vào cuối tháng 2 vừa qua, mở đường cho tiến trình rút toàn bộ binh sĩ Mỹ khỏi Afghanistan trong 14 tháng tới. Điều đáng nói là, trong khi thỏa thuận vốn được kỳ vọng là bước đi quan trọng đầu tiên hướng tới hòa bình lâu dài tại Afghanistan vẫn còn “chưa ráo mực”, tình trạng bạo lực do lực lượng Taliban gây ra ở quốc gia Nam Á này tiếp tục leo thang trong những ngày qua. Điều đó càng khiến người ta thêm hoài nghi về tính khả thi của thỏa thuận. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, Tổng thống Donald Trump đã vội vàng đạt thỏa thuận nhằm rút binh sĩ Mỹ khỏi Afghanistan sau gần hai thập niên Washington sa lầy vào cuộc chiến “hao người, tốn của” trong một nỗ lực “ghi điểm” trước cuộc bầu cử tổng thống cuối năm nay trong khi các điều kiện để thực thi thỏa thuận lại chưa chín muồi.

Đó là còn chưa kể tới việc tiến trình hòa bình tại Afghanistan thuận lợi hay không còn phụ thuộc vào các kết quả đàm phán giữa lực lượng Taliban và chính quyền Kabul. Trên thực tế, phần khó khăn nhất trong tiến trình hòa bình Afghanistan chính là các cuộc đàm phán nội bộ ở quốc gia này. Nói cách khác, sẽ chưa thể có hòa bình thực sự nếu không có đối thoại và hòa giải chính trị ở Afghanistan, bất kể lực lượng Mỹ có rút khỏi quốc gia này hay không. Theo thỏa thuận hòa bình đạt được giữa Mỹ và Taliban, các vòng đàm phán nội bộ Afghanistan dự kiến sẽ bắt đầu từ ngày 10-3 tới. Taliban phải trả tự do cho tối đa 1.000 tù nhân và Chính phủ Afghanistan trả tự do cho khoảng 5.000 phiến quân. Trong khi phía Taliban coi đây là điều kiện tiên quyết để tiến hành đàm phán thì Chính phủ Afghanistan lại từ chối trao đổi tù binh trước khi các vòng đàm phán bắt đầu. Vì lẽ đó, mâu thuẫn về vấn đề trao đổi tù binh đã khiến triển vọng đàm phán trở nên mù mịt. Bên cạnh đó, trong điều kiện hiện nay, bất ổn chính trị tại Afghanistan sau cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 9 năm ngoái cũng có thể làm phức tạp tiến trình đàm phán. Theo kết quả bầu cử chính thức, chiến thắng thuộc về đương kim Tổng thống Ashraf Ghani. Tuy nhiên, đối thủ chính của ông là Abdullah Abdullah- quan chức điều hành cấp cao của chính quyền Afghanista - phản đối kết quả này và tuyên bố sẽ thành lập một chính phủ riêng. Tranh cãi về kết quả bầu cử làm dấy lên nghi ngại về khả năng các phe phái ở Afghanistan có thể thành lập một chính phủ đoàn kết để ngồi cùng Taliban thảo luận về tương lai của đất nước.

Sputnik dẫn lời chuyên gia quân sự Nga Leonid Ivashov cho rằng, việc Mỹ vội vàng rút quân khỏi Afghanistan sẽ “cởi trói” cho khủng bố tại quốc gia Tây Nam Á. “Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang đổ về Afghanistan. Khủng bố sẽ tìm cách gây bất ổn cho Afghanistan. Điều này có thể dẫn đến những biến động chính trị và mối đe dọa tấn công khủng bố tăng mạnh”, chuyên gia Leonid Ivashov nhận định. Theo The New York Times, IS tại Afghanistan là một tập hợp các tay súng Taliban người Pakistan đã ly khai, đang dần trở thành một mối đe dọa kinh hoàng tại khu vực miền Đông Afghanistan với “vòi bạch tuộc” vươn ra khắp cả nước, kể cả thủ đô Kabul. Một trong những mục đích của IS hiện nay là chiếm đóng lãnh thổ tại Afghanistan cũng như tại khu vực Nam và Trung Á, tìm cách thành lập cái gọi là “Vương quốc Hồi giáo” (caliphate) tại đây gần giống như phiên bản Caliphate trước đó tại Trung Đông. Mới đây nhất, IS đã lên tiếng nhận trách nhiệm thực hiện vụ tấn công nhằm vào một lễ tưởng niệm ở thủ đô Kabul ngày 6-3 vừa qua khiến ít nhất 27 người đã thiệt mạng và 29 người khác bị thương.

HOÀNG VŨ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/my-canh-bao-nguy-co-voi-afghanistan-sau-khi-washington-rut-quan-611724