Mỹ cảnh báo quần đảo Solomon về hiệp ước an ninh với Trung Quốc
Phái đoàn Mỹ hôm 22/4 nói với thủ tướng Solomon rằng nếu Bắc Kinh duy trì hiện diện quân sự ở đảo quốc này, Washington sẽ có biện pháp 'đáp trả tương ứng'.
Phái đoàn Mỹ do ông Kurt Campbell, điều phối viên Nhà Trắng về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đã bay tới thủ đô Honiara của quần đảo Solomon ngay sau khi có thông báo Trung Quốc và quốc đảo này ký hiệp ước an ninh.
Trong cuộc gặp, phái đoàn Mỹ đã nói với Thủ tướng Solomon Manasseh Sogavare về mối quan ngại của Washington với hiệp ước này, South China Morning Post đưa tin. Nhà Trắng nhấn mạnh Washington sẽ có biện pháp "đáp trả tương ứng" nếu có bất cứ bước đi nào nhằm thiết lập sự hiện diện quân sự thường trực của Bắc Kinh tại đây.
Theo Nhà Trắng, các quan chức Solomon nhấn mạnh hiệp ước với Trung Quốc “chỉ có tính ứng dụng trong nước”. Ông Sogavare nói rằng “sẽ không có căn cứ quân sự, không có sự hiện diện lâu dài, không có khả năng triển khai và duy trì lực lượng bên ngoài lãnh thổ (power projection)” do điều khoản của thỏa thuận.
Mặc dù vậy, hiệp ước an ninh được coi là bước tiến lớn đối với Trung Quốc ở Thái Bình Dương - nơi quần đảo Solomon có vị trí chiến lược. Điều này cũng gây khó khăn cho các quốc gia ở Thái Bình Dương khác, bao gồm Nhật Bản, New Zealand và đặc biệt là Australia - vốn thúc ép quần đảo Solomon hủy bỏ thỏa thuận.
Từ lâu, Trung Quốc đã tìm cách thu hút chú ý của Solomon thông qua ngoại giao kinh tế.
Thủ tướng Sogavare không giấu giếm ý định xích lại gần Trung Quốc. Năm 2019, ngay sau khi nhậm chức, ông tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan để thiết lập quan hệ với Bắc Kinh.
Trung Quốc khẳng định thỏa thuận này nhằm thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực.
“Phát triển và an ninh là hai mặt của một đồng xu. Nếu không có an toàn và an ninh, các quốc gia không thể tận hưởng sự phát triển bền vững và tăng trưởng kinh tế”, Đại sứ Trung Quốc tại quần đảo Solomon, Li Ming, nói hôm 22/4.
Trong cuộc gặp lần này, Mỹ cũng cho biết họ sẽ xúc tiến việc mở đại sứ quán tại Honiara. Hai nước nhất trí khởi động đối thoại chiến lược và chương trình nâng cao nhận thức về lĩnh vực hàng hải, cũng như thúc đẩy một loạt các sáng kiến khác.