Mỹ cảnh báo rời khỏi WTO: Bài toán lợi ích
Tổng thống Donald Trump dọa rút Mỹ khỏi WTO
(HNM) - Sau khi đưa ra nhiều quyết định bất ngờ như rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu hay Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) có thể là mục tiêu tiếp theo của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trong một tuyên bố mới nhất, ông chủ Nhà Trắng cảnh báo Washington sẽ rời WTO nếu các điều kiện hiện nay không được cải thiện.
Tổng thống D.Trump đã nhiều lần cảnh báo Mỹ sẽ rút khỏi WTO.
Đây không phải là lần đầu tiên Tổng thống D.Trump đưa ra cảnh báo như vậy. Ông nhiều lần khẳng định Mỹ bị đối xử không công bằng trong thương mại quốc tế nên không phải tuân thủ mọi quy tắc của WTO. Theo Tổng thống D.Trump, một số nước giàu có trên thế giới, nhưng được coi là “những nước đang phát triển” đang hưởng lợi từ các chính sách của WTO. Vì thế, ngày 26-7 vừa qua, ông D.Trump đã yêu cầu WTO điều chỉnh quy chế quốc gia đang phát triển để tránh việc các nước này lợi dụng quy định của WTO nhằm hưởng ưu đãi thương mại. Người đứng đầu nước Mỹ thậm chí còn tuyên bố, WTO có 90 ngày để xem xét lại những quy định liên quan đến vấn đề trên. Nếu bất cập vẫn không được giải quyết, Washington sẽ đơn phương thay đổi và không coi các quốc gia đó là những nước đang phát triển.
Các nhà phân tích nhận định, sở dĩ người đứng đầu nước Mỹ thiếu “thiện cảm” với WTO là do ông D.Trump có xu hướng ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch vì cho rằng điều này mới có lợi nhất cho xứ Cờ hoa. Quan điểm đó được thể hiện rõ ràng qua khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết”, song lại trái ngược với tôn chỉ và mục đích hoạt động của WTO. Trên thực tế, với vai trò dẫn dắt thương mại toàn cầu, ảnh hưởng của Mỹ trong WTO mang tính quyết định. Tuy nhiên, sau 24 năm WTO được thành lập, nhiều thực thể kinh tế - chính trị trỗi dậy mạnh mẽ và làm thay đổi nhiều cơ chế do Mỹ tạo ra và chi phối. Ngoài ra, tham gia WTO, Mỹ cũng phải tuân thủ các nguyên tắc chung của tổ chức này, đồng nghĩa với việc không thể gây tổn hại đến lợi ích của các thành viên khác. Đồng thời, Mỹ cũng không tránh khỏi thực tế bị các thành viên sử dụng những nguyên tắc của WTO để khiếu nại. Bởi vậy, khi ra khỏi WTO, Mỹ sẽ không bị vướng vào chuyện kiện tụng, không còn bị ràng buộc bởi những trách nhiệm và nghĩa vụ của một thành viên.
Được coi là "Liên hợp quốc" về thương mại toàn cầu, WTO ra đời với sứ mệnh tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại tự do và công bằng. WTO đã thực hiện nhiệm vụ này bằng cách thiết lập các quy tắc, giải quyết những tranh chấp trên cơ sở đưa các nước ngồi vào bàn đàm phán để hóa giải bất đồng. Các cuộc thảo luận về cải cách WTO đã diễn ra trong nhiều năm, nhưng 164 thành viên của tổ chức này vẫn chưa đạt được đồng thuận. Một nhóm các quốc gia, trong đó có Nga, ủng hộ sự phát triển hơn nữa của WTO trong khi một nhóm khác kêu gọi WTO tái cơ cấu và phát triển theo một định dạng mới.
Với tư cách nền kinh tế lớn nhất thế giới, Mỹ đóng vai trò then chốt đối với sự tồn tại của WTO. Do đó, nếu Washington rút khỏi tổ chức này sẽ tạo ra những hệ lụy rất lớn, có thể dẫn đến khủng hoảng pháp lý trong môi trường kinh doanh toàn cầu. Đơn cử, Mỹ có thể nâng thuế “tràn lan” khiến các quốc gia khác phải có biện pháp đáp trả. Ngược lại, các nước thành viên WTO cũng có thể tăng thuế nhập khẩu với hàng hóa Mỹ, áp đặt những yêu cầu phiền toái làm các doanh nghiệp xứ Cờ hoa khó cạnh tranh trên thị trường.
Dù là cường quốc kinh tế số 1 thế giới, WTO cũng không vì thiếu Mỹ mà sụp đổ. Song, rút khỏi tổ chức này, Mỹ sẽ tự đánh mất vai trò quan trọng trong việc xác định luật chơi chung của thương mại toàn cầu. Đây cũng là bài toán mà chắc chắn Tổng thống D.Trump sẽ có sự cân nhắc thấu đáo trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.