Mỹ cảnh báo trừng phạt loạt ngân hàng EU vì hoạt động tại Nga
Washington lo ngại giao dịch của các ngân hàng này tại Nga đem lại lợi ích cho quân đội Moskva.
Theo Bộ Tài chính Mỹ, Ngân hàng Quốc tế Raiffeisen của Áo – hiện là ngân hàng nước ngoài lớn nhất ở Nga - có nguy cơ bị cắt đứt khỏi hệ thống tài chính Mỹ trong trường hợp bị phát hiện tài trợ cho quân đội Nga.
Theo kênh truyền hình RT, quan chức Bộ Tài chính Mỹ, bà Anna Morris cho biết: “Là một phần trong nỗ lực gia tăng các lệnh trừng phạt của Washington, lời cảnh báo này sẽ thúc đẩy các ngân hàng Áo kiểm tra các giao dịch với Nga và thực hiện các biện pháp giảm thiểu rủi ro”.
Trước đó, trang tin tức Euobserver ngày 9/3 đưa tin ngân hàng Raiffeisen đã xác nhận các cuộc thảo luận với Mỹ về các biện pháp trừng phạt do hoạt động kinh doanh ở Nga.
“Gã khổng lồ” ngân hàng không cung cấp thêm thông tin chi tiết và nói rằng theo nguyên tắc, họ sẽ không bình luận công khai các cuộc thảo luận với đại diện chính quyền.
Raiffeisen là một trong số ít ngân hàng lớn của phương Tây còn hoạt động ở Nga. Ngân hàng này là một trong hai ngân hàng nước ngoài duy nhất nằm trong danh sách 13 tổ chức tín dụng quan trọng trong hệ thống của ngân hàng trung ương Nga. Ngân hàng còn lại là UniCredit của Italy. Trong khi đó, các ngân hàng của phương Tây như ING của Hà Lan, Commerzbank và Deutsche Bank của Đức, Ngân hàng OTP của Hungary, Intesa SanPaolo của Italy và SEB của Thụy Điển cũng duy trì hiện diện trên thị trường Nga.
Tháng 9 năm ngoái, ngân hàng Raiffeisen đã công bố kế hoạch tách hoạt động kinh doanh tại Nga sau áp lực ngày càng tăng từ các chính phủ phương Tây. Tập đoàn RBI (chủ sở hữu ngân hàng này) đã phản đối các yêu cầu từ Mỹ và EU về khẩn trương rời khỏi Nga. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng gây áp lực buộc ngân hàng này phải rời khỏi thị trường Nga.
Cũng theo Euobserver, các quan chức Bộ Tài chính Mỹ cũng đã thông báo cho các ngân hàng Đức về cảnh báo trừng phạt mới khi tiếp tục thực hiện dịch vụ ngân hàng doanh nghiệp cho hầu hết các công ty Đức hoạt động ở Nga.
Khi được hỏi liệu có sợ các lệnh trừng phạt của Mỹ hay không, ngân hàng Đức Commerzbank cho biết họ coi việc tuân thủ các biện pháp trừng phạt là điều quan trọng nhất và đã thực hiện các biện pháp để giảm thiểu rủi ro bị trừng phạt liên quan đến Nga.
Trong khi đó, ING của Hà Lan nói với hãng tin rằng các quy định siết chặt mới của Mỹ đồng nghĩa với việc các ngân hàng có thể bị xử phạt hoặc bị chặn vào hệ thống thanh toán bằng USD trong một khoảng thời gian nhất định nếu ngân hàng đó tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch quan trọng có lợi cho quân đội Nga. Tuy nhiên, ngân hàng Hà Lan không thấy rủi ro vì tuyên bố tuân thủ tất cả các luật trừng phạt quốc tế bao gồm của Liên hợp quốc, EU và Văn phòng kiểm soát tài sản nước ngoài trực thuộc Bộ tài chính Mỹ (OFAC).