Mỹ cắt giảm viện trợ, các đồng minh Trung Đông đối mặt kịch bản tồi tệ nhất
Ngày 17/4, tờ Politico dẫn lời các chuyên gia cảnh báo rằng các đồng minh chủ chốt của Mỹ tại Trung Đông đang phải đối mặt với kịch bản tồi tệ nhất sau khi Washington đột ngột đình chỉ và cắt giảm sâu nguồn viện trợ nước ngoài, đặc biệt là đối với Jordan, Ai Cập và Israel.

Người dân Palestine nhận lương thực viện trợ tại trung tâm phân phối của Cơ quan cứu trợ người tị nạn Palestine thuộc LHQ (UNRWA) ở Rafah, Dải Gaza. Ảnh: AFP/TTXVN
Tại thành phố Zarqa, Jordan - nơi từng là địa điểm của trại tị nạn Palestine đầu tiên vào thập niên 1940 - dự án xây dựng Trường Trung học Safed dành cho khoảng 1.500 học sinh đã bị đình trệ từ cuối tháng 1. Nguyên nhân là do Chính quyền Tổng thống Donald Trump ra lệnh đóng băng toàn bộ viện trợ nước ngoài trong 90 ngày, áp dụng trên phạm vi toàn cầu với rất ít ngoại lệ. Một kỹ sư tham gia dự án cho biết việc cắt viện trợ đã khiến toàn bộ công nhân bị cho nghỉ việc chỉ trong vòng một ngày.
Chính sách cắt giảm 40 tỷ USD viện trợ - một trong những quyết định đầu tiên trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Trump - không chỉ ảnh hưởng tới Jordan mà còn làm lung lay sự ổn định của toàn khu vực đang đối mặt với khủng hoảng nhân đạo, bất ổn chính trị và suy thoái kinh tế. Theo số liệu năm 2023, tổng giá trị viện trợ của Mỹ dành cho khu vực này thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) lên tới gần 4 tỷ USD.
Bà Delaney Simon, chuyên gia cấp cao tại Nhóm Khủng hoảng Quốc tế (ICG), nhận định: “Chúng ta đang chứng kiến một sự thu hẹp đáng kể về viện trợ, điều này nhiều khả năng sẽ làm thay đổi cơ bản toàn bộ hệ thống nhân đạo hiện nay”.
Ngoài Mỹ, một số quốc gia châu Âu cũng đang cắt giảm ngân sách viện trợ để ưu tiên chi tiêu quốc phòng. Anh đã giảm ngân sách viện trợ xuống mức thấp nhất trong hơn 25 năm, trong khi Hà Lan và Pháp cũng có động thái tương tự dưới áp lực từ các đảng cánh hữu. Chính phủ Đức đang xem xét điều chỉnh chính sách viện trợ sau khi tăng mạnh ngân sách quốc phòng.
Tác động của các quyết định này lan rộng tới nhiều điểm nóng trong khu vực. Tại Iraq, quốc gia đang trong quá trình tái thiết hậu chiến, các chương trình hỗ trợ tái hòa nhập cho người dân từng sống dưới sự kiểm soát của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) bị gián đoạn. Tại Syria, hệ thống viện trợ vốn đã căng thẳng nay càng thêm rối ren khi chính quyền mới chưa thể kiểm soát hoàn toàn tình hình đất nước. Tại Yemen, xung đột kéo dài suốt một thập niên vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Trong khi đó, cuộc xung đột nhiều mặt trận của Israel tại Gaza và Liban đang khiến căng thẳng khu vực gia tăng.
Jordan - đồng minh chiến lược của Mỹ tại vùng Levant - là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng trực tiếp. Trong năm 2023, Jordan nhận hơn 1,5 tỷ USD viện trợ từ Mỹ để duy trì các dịch vụ thiết yếu như y tế, điện, nước và hỗ trợ người tị nạn. Theo tài liệu do Politico tiếp cận, gần 90% hợp đồng của USAID tại đây bị ảnh hưởng sau lệnh đình chỉ. Jordan cũng bị Mỹ áp thuế 20% đối với hàng xuất khẩu trị giá hơn 3 tỷ USD trong năm ngoái, trước khi lệnh thuế này bất ngờ được rút lại.
Bà Kelly Petillo, quản lý chương trình Trung Đông - Bắc Phi tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, cho rằng hành động của Mỹ đang gây mất ổn định trực tiếp đối với Jordan - quốc gia vốn đóng vai trò chủ chốt trong liên minh chống khủng bố quốc tế do Mỹ dẫn đầu.
Từ năm 1961, USAID đã triển khai các chương trình nhân đạo, phát triển và ổn định khu vực tại Trung Đông, tập trung vào y tế, giáo dục, việc làm và cải cách quản trị. Ông Dave Harden, cựu quan chức USAID từng công tác tại Gaza, Yemen và Iraq, cho biết: “Chúng tôi từng cố gắng sử dụng ảnh hưởng của mình để xây dựng một Trung Đông ổn định và thịnh vượng hơn”.
Tác động của việc cắt giảm viện trợ đã thể hiện rõ tại một số cơ sở y tế cộng đồng tại thủ đô Amman. Bà Lina Abu al-Haija, Phó Giám đốc hệ thống phòng khám miễn phí, cho biết gần một nửa nhân viên đã phải nghỉ việc. Nhiều quốc gia châu Âu như Đức, Tây Ban Nha và Hà Lan cũng thông báo ngừng tài trợ cho các dịch vụ y tế cộng đồng tại Jordan. Các phòng khám này thường cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực và phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật.
“Chúng tôi đã làm việc này hơn 10 năm, phục vụ phụ nữ và trẻ em gái - đặc biệt là người tị nạn - với lời hứa rằng họ luôn có chỗ dựa. Giờ đây với việc cắt giảm viện trợ, lời hứa đó đang trở nên khó khăn hơn bao giờ hết” bà al-Haija chia sẻ.
Một quan chức USAID tại Washington cho biết việc Mỹ cắt viện trợ cho Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) - cơ quan hỗ trợ chăm sóc sức khỏe sinh sản - sẽ tiếp tục làm gia tăng tình trạng mất việc, thiếu dịch vụ y tế và suy giảm chất lượng sống, đặc biệt tại các vùng dễ bị tổn thương.
Theo số liệu từ Chính phủ Mỹ và Ngân hàng Thế giới, trong năm 2023, viện trợ của Mỹ chiếm hơn 2% GDP của Jordan, gần 4% GDP của Syria và khoảng 4,3% của Yemen. Tổng Thư ký Hội đồng Người tị nạn Đan Mạch Charlotte Slente cảnh báo rằng những quốc gia này đang đứng trước nguy cơ trở thành nơi trú ẩn cho các nhóm vũ trang, làm gia tăng bất ổn và mối đe dọa an ninh trên toàn cầu.
Các chuyên gia cho rằng sự sụt giảm viện trợ sẽ dẫn tới làn sóng di cư mới. Trong cuộc nội chiến tại Syria, gần một nửa dân số đã phải rời bỏ nhà cửa. Cuộc khủng hoảng di cư năm 2015 từng khiến hơn một triệu người Syria đổ về châu Âu. Tuy nhiên hiện nay, nhiều chính phủ châu Âu lại sử dụng chính chính sách cắt viện trợ như một cách để kiểm soát di cư, dù trước đây từng coi viện trợ là công cụ để xử lý nguyên nhân gốc rễ của vấn đề.
Bà Anita Kappeli, Giám đốc chính sách của Trung tâm Phát triển Toàn cầu khu vực châu Âu, nhận định nhiều quốc gia cho rằng dù đã viện trợ suốt hàng chục năm, dòng người di cư vẫn không ngừng gia tăng, dẫn tới quan điểm rằng viện trợ không còn hiệu quả và do đó có thể bị cắt giảm.
Trong khi đó, các chuyên gia nhân đạo cảnh báo rằng việc thu hẹp viện trợ sẽ tạo ra những điều kiện lý tưởng cho các phong trào cực đoan trỗi dậy, khi người dân không còn tiếp cận được giáo dục, y tế hay cơ hội việc làm - những yếu tố quan trọng giúp duy trì ổn định lâu dài cho khu vực.