Mỹ chặn thương vụ tỷ USD, khiến vũ khí Thổ tê liệt
Quốc hội Mỹ đã quyết định ngăn chặn tất cả những thương vụ vũ khí với Thổ nhằm ép nước này từ bỏ hệ thống S-400 mua của Nga.
Theo Defense News, những thành viên chủ chốt và nhiều thành viên của Quốc hội Mỹ đã quyết định chặn nhiều thương vụ vũ khí giữa Mỹ với Thổ Nhĩ Kỳ. Lệnh cấm này có hiệu lực trong 2 năm bắt đầu từ tháng 8/2020.
Những thương vụ đình đám nhất bị cấm bao gồm hợp đồng nâng cấp toàn bộ phi đội tiêm kích F-16 lên chuẩn mới, ngừng xuất khẩu động cơ để sản xuất trực thăng tấn công T129 ATAK.
Như vậy, lệnh cấm của Mỹ là vấn đề khá nghiêm trọng với Thổ bởi Mỹ là nhà bán vũ khí lớn nhất của Ankara. Lệnh cấm này cũng đồng nghĩa với việc nhiều chương trình vũ khí nội địa của Thổ không thể hoàn thành
Chỉ với lệnh cấm với động cơ dùng cho T129 ATAK, Mỹ có thể khiến Thổ Nhĩ Kỳ thiệt hại hàng tỷ USD bởi hiện nay, Ankara đang đàm phán với Pakistan và Philippines về việc bán số lượng lớn dòng trực thăng tấn công này.
Trong khi đó, việc tiếp tục sản xuất mới HISAR-A - hệ thống phòng không được đánh giá tương đương với Patriot cũng không thể thực hiện. Trong khi những hệ thống đang có trong trang bị của Thổ sẽ không được bảo dưỡng nhằm đảm bảo khả năng chiến đấu...
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Jim Risch và thành viên cấp cao Bộ Ngoại giao Hạ viện Mike McCaul, thừa nhận họ lệnh cấm đã có hiệu lực từ đầu tháng nhưng đến nay thông tin này mới được tiết lộ cho giới truyền thông.
Điều đặc biệt là trong khi chặn tất cả các vụ bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ thì Mỹ vẫn tiếp tục mua linh kiện và thiết bị do Ankara sản xuất dùng cho việc sản xuất máy bay tàng hình F-35.
Thông tin này được Thượng nghị sĩ Cộng hòa James Lankford và Thom Tillis, cùng với các đồng nghiệp của đảng Dân chủ Jeanne Shaheen và Chris Van Hollen nói đến trong một lá thư gửi cho Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Mark Esper.
Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục tham gia chương trình máy bay chiến đấu thế hệ 5 F-35 của Mỹ, bất chấp quyết định của Mỹ loại trừ Ankara ra khỏi chuỗi cung ứng do mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga.
"Việc loại Thổ khỏi chuỗi cung ứng được Quốc hội thông qua, được Tổng thống Trump ký kết đã gửi một tín hiệu rõ ràng tới Thổ Nhĩ Kỳ về hậu quả của việc mua hệ thống S-400 và công nghệ quốc phòng của Nga.
Nhưng thật không may, tín hiệu mạnh mẽ này đã bị hủy bỏ bởi sự chậm trễ và không dứt khoát trong việc loại bỏ Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chuỗi cung ứng của phía Mỹ", nội dung bức thư gửi Bộ trưởng Mark Esper có đoạn viết.
Việc đồng ý để Thổ tiếp tục tham gia chương trình sản xuất F-35 được Mỹ đưa ra khá đường đột nhưng theo giới chuyên gia, thông tin này không quá bất ngờ.
Bởi nó được đưa ra gần như cùng thời điểm Văn phòng Trách nhiệm giải trình chính phủ Mỹ (GAO) thừa nhận, thiếu linh kiện Thổ Nhĩ Kỳ là vấn đề nghiêm trọng với cả chương trình F-35 hiện nay.
Việc loại bỏ toàn bộ linh kiện do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề về chuỗi cung ứng vốn đề không thực sự tốt của cả chương trình máy bay F-35.
"Số lượng linh kiện giao muộn tăng lên đến 60% so với trước đây. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ hoàn thành và chuyển giao máy bay. Cùng với đó, nó cũng tác động không nhỏ đến quá trình bảo dưỡng và thay thế linh kiện với những chiếc F-35 đang vận hành", GAO tuyên bố.
Cơ quan này thừa nhận thêm rằng, dù các nhà thầu khác được lựa chọn để thay thế Thổ Nhĩ Kỳ đã rất nỗ lực nhưng sẽ còn lâu mới đạt được khả năng giao hàng ổn định như nguồn cung từ Thổ như trước đây.
Hiện Thổ Nhĩ Kỳ chưa có phản ứng chính thức nào về thông tin Mỹ chặn các vụ bán vũ khí cho Ankara.