Mỹ đã chấp thuận về mặt nguyên tắc vào ngày 3/3/2023, cho phép Đức mua hệ thống đánh chặn "Rồng lửa" Arrow 3 từ Israel.
Sau thời gian dài bỏ ngỏ việc đầu tư trang bị quốc phòng, Đức dự chi hơn 100 tỷ euro để tăng cường sức mạnh quân đội.
Trong đó có 17 tỷ euro để tăng cường khả năng phòng không bằng lá chắn tên lửa phòng thủ nhiều lớp mới, bao gồm IRIS-T, Arrow 3 và Patriot.
Khi nói tới các hệ thống đánh chặn hiện đại người ta thường nói tới THADD của Mỹ và S-400 của Nga, tuy nhiên còn có một hệ thống tên lửa phòng thủ được đánh giá ngang ngửa với hai hệ thống trên chính là Arrow 3 do Israel hợp tác với Mỹ phát triển.
Trong quá khứ, lực lượng phòng không Israel đã từng ít nhất một lần sử dụng hệ thống Arrow-3 để bắn chặn đạn tên lửa S-200 Angara được Quân đội Syria phóng đi nhằm vào tốp tiêm kích của nước này đang thực hiện nhiệm vụ oanh kích.
Israel từ lâu đã được biết đến là quốc gia có nền khoa học kỹ thuật quân sự phát triển, ngay cả Nga và Mỹ đều đang mua một số công nghệ quân sự của họ.
Mỹ mua hệ thống phòng thủ trên xe tăng của Israel, trong khi Tel Aviv cũng đã giúp Nga về lĩnh vực UAV dùng trong quân sự.
Các hệ thống phòng không do nền công nghiệp quốc phòng Israel phát triển được cả Mỹ và Nga đánh giá cao.
Thậm chí ngay cả Mỹ còn đang mua một số hệ thống phòng không tầm gần như Iron Dome cũng như các loại radar chủ động của Israel.
Sở dĩ các hệ thống phòng không của Israel được đánh giá cao do ngoài nhân lực trong nước họ còn nhận được sự hợp tác, chia sẻ công nghệ cũng như tài trợ ngân sách từ Mỹ.
Israel và Mỹ thường kết hợp để cho ra đời các dòng vũ khí kinh điển và Arrow 3 là một trong số này.
Mỹ bắt đầu đổ tiền và công nghệ để cùng Israel phát triển hệ thống phòng không Arrow 3 từ năm 2008.
Điều khiến Arrow 3 đặc biệt là loại vũ khí này có khả năng chống được các vệ tinh quân sự.
Tuy mới được biên chế từ đầu năm 2018 nhưng trước đó Israel đã nhiều lần thử thành công hệ thống đánh chặn đặc biệt nguy hiểm này.
Bộ Quốc phòng Israel cho biết, hệ thống tên lửa phòng không Arrow-3, được phát triển bởi Tập đoàn Công nghiệp hàng không Israel và tập đoàn Boeing của Mỹ, đã chính thức được bàn giao cho không quân Israel.
Sức mạnh của hệ thống đánh chặn Arrow bắt đầu với radar cảnh báo sớm EL/M-2080 Green Pine.
Đây là một loại radar quét mạng pha điện tử chủ động, tối tân hàng đầu thế giới hiện nay.
Radar này có thể phát hiện mục tiêu cỡ quả bóng goft ở khoảng cách 500 km.
Bên cạnh đó, Arrow 3 còn được trang bị hệ thống quản lý chiến đấu Tree Citron và trung tâm kiểm soát khởi động Brown Hazelnut.
Trung tâm kiểm soát này có thể đặt cách hệ thống Tree Citron tới 300km
Bệ phóng tên lửa đánh chặn được đặt trên khung gầm xe kéo chuyên dụng, mỗi bệ phóng được trang bị 6 tên lửa đánh chặn.
Tên lửa được phóng ở vị trí thẳng đứng bằng phương pháp khởi động nóng tương tự như hệ thống S-400 của Nga.
Các ống phóng của hệ thống tên lửa Arrow 3 sau đó được điều khiển vào vị trí vuông góc 90 độ.
Việc phóng thẳng đứng cho phép tên lửa có thể tấn công mục tiêu bất cứ hướng nào mà không phải xoay chuyển xe phóng.
Bộ Quốc phòng Israel từng cho biết, hệ thống phòng thủ tên lửa Arrow 3 được thiết kế để bảo vệ Israel khỏi các tên lửa tầm xa mà Iran có thể sử dụng.
Hệ thống Arrow 3 sẽ đánh chặn và bắn rơi tên lửa ngay phía trên bầu khí quyển.
Ở độ cao này, đầu đạn của tên lửa Arrow 3 tách khỏi phần còn lại của tên lửa, lao thẳng vào mục tiêu theo kiểu "cảm tử".
Đạn tên lửa của hệ thống Arrow 3 có thể đánh chặn an toàn tên lửa hạt nhân, sinh học hoặc hóa học.
Tuy thông số chi tiết về Arrow 3 vẫn đang được giữ kín, nhưng giới chuyên gia nhận định đạn tên lửa của hệ thống này có thể đánh chặn mục tiêu từ khoảng cách từ 250-400 km.
Thậm chí một số thông tin còn cho biết, tên lửa Arrow 3 có thể đánh chặn mục tiêu ở độ cao lên tới 1000 km. Đây là điều mà ngay cả tên lửa THAAD của Mỹ và S-400 của Nga cũng chưa làm được.