Mỹ chấp thuận thương vụ tên lửa khổng lồ cho Nhật Bản

Ngày 3/1 theo Sputnik, Bộ Ngoại giao Mỹ đã chấp thuận khả năng bán các tên lửa không đối không tiên tiến AIM-120D-3 và AIM-120C-8 cùng các thiết bị liên quan cho Nhật Bản với tổng giá trị 3,64 tỷ USD.

Các tên lửa không đối không tiên tiến AIM-120 và AIM-9 của Mỹ được triển khai tại căn cứ không quân Hoa Liên, Đài Loan. Ảnh: sputnikglobe.com

Các tên lửa không đối không tiên tiến AIM-120 và AIM-9 của Mỹ được triển khai tại căn cứ không quân Hoa Liên, Đài Loan. Ảnh: sputnikglobe.com

Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh Tokyo đang đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội nhằm tăng cường khả năng phòng thủ trước những thách thức an ninh khu vực ngày càng gia tăng.

Theo thông báo từ Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Mỹ (DSCA), chính phủ Nhật Bản đã đề nghị mua 1.200 tên lửa AIM-120 thuộc dòng không đối không tầm trung tiên tiến (AMRAAM). Loại vũ khí này được thiết kế để tiêu diệt mục tiêu trên không với độ chính xác cao, là trang bị chủ lực trong các hệ thống phòng không của nhiều quốc gia. Nhà thầu chính được chỉ định trong thương vụ này là tập đoàn quốc phòng RTX Corp - trước đây là Raytheon Technologies - một trong những đơn vị hàng đầu của Mỹ trong lĩnh vực phát triển vũ khí.

Việc mua sắm số lượng lớn tên lửa AIM-120 phản ánh chiến lược tăng năng lực phòng thủ của Nhật Bản trong những năm gần đây. Theo kế hoạch quốc phòng dài hạn, Tokyo dự kiến nâng tổng chi tiêu quân sự từ năm 2023 lên 43 nghìn tỷ yên (khoảng 273 tỷ USD) vào năm 2027. Điều này đồng nghĩa với việc ngân sách quốc phòng sẽ liên tục tăng trong mỗi năm tài chính nhằm phục vụ mục tiêu hiện đại hóa lực lượng và nâng cao khả năng tác chiến của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản.

Tuy nhiên, bài toán tài chính cho chương trình mở rộng quốc phòng này vẫn còn gây tranh cãi trong nội bộ chính phủ Nhật Bản. Thủ tướng Shigeru Ishiba đề xuất tăng thuế doanh nghiệp để đảm bảo nguồn ngân sách nhưng sáng kiến này vấp phải sự phản đối ngay cả trong Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền. Sự bất đồng trong cách huy động nguồn tài trợ có thể ảnh hưởng đến tiến trình triển khai các kế hoạch quân sự của Tokyo trong tương lai.

Thương vụ vũ khí này không chỉ giúp Nhật Bản củng cố sức mạnh quân sự mà còn phản ánh sự gắn kết chiến lược giữa Tokyo và Washington. Trong bối cảnh môi trường an ninh khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ngày càng phức tạp, Nhật Bản giữ vai trò quan trọng trong chính sách an ninh của Mỹ. Việc Mỹ phê duyệt hợp đồng bán tên lửa lần này được xem là bước đi nhằm củng cố quan hệ đồng minh, đồng thời giúp Tokyo nâng cao khả năng răn đe và phòng thủ trước những thách thức địa chính trị.

Bên cạnh đó, việc bổ sung các hệ thống tên lửa tiên tiến vào kho vũ khí cũng giúp Nhật Bản tăng cường năng lực tác chiến trên không, nâng cao tính chủ động trong các tình huống phòng thủ chiến lược. Với kế hoạch hiện đại hóa quân đội ngày càng rõ nét, Tokyo đang từng bước khẳng định vị thế của mình trong vấn đề an ninh khu vực, đồng thời củng cố nền tảng hợp tác quốc phòng bền vững với Mỹ.

Hoàng Anh/Báo Tin tức (Theo Sputnik/mehrnews.com)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/vu-khi-khi-tai/my-chap-thuan-thuong-vu-ten-lua-khong-lo-cho-nhat-ban-20250103161058388.htm