Mỹ, châu Âu đồng loạt lên án vụ phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm của Triều Tiên tại Liên hợp quốc
Mỹ, Anh và Pháp ngày 20/10 nói rằng Triều Tiên đã đạt được tiến bộ trong các chương trình vũ khí hạt nhân sau vụ phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm.
Phát biểu với báo chí trước cuộc họp kín của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ), đại sứ các nước phương Tây đều lên án vụ phóng tên lửa đạn đạo (SLBM) từ tàu ngầm của Triều Tiên một ngày trước đó là một "hành động khiêu khích" mới.
"Chúng tôi kiên quyết lên án hành động khiêu khích này vì nó vi phạm rõ ràng các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ”, Đại sứ Ireland Geraldine Byrne Nason cho biết.
Đại sứ Geraldine Byrne Nason nhấn mạnh rằng vụ phóng tên lửa từ tàu ngầm cho thấy Bình Nhưỡng tiếp tục tăng cường chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo, đặc biệt tập trung phát triển năng lực hạt nhân trên biển.
“Triều Tiên phải chấm dứt ngay các hành động gây bất ổn và thực hiện các bước đi cụ thể để chấm dứt việc phát triển tên lửa đạn đạo cũng như các vũ khí hạt nhân khác một cách toàn diện, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược” - nhà ngoại giao Ireland lưu ý.
Trong khi đó, Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield, nói rằng "mỗi tiến bộ mới của các chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên sẽ gây mất ổn định khu vực và đe dọa đến hòa bình và an ninh quốc tế"."Mỹ kêu gọi Triều Tiên kiềm chế trước các hành động khiêu khích tiếp theo"- Đại sứ Linda Thomas-Greenfield nói.
Theo Đại sứ Linda Thomas-Greenfield, các vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên là các hoạt động bất hợp pháp và vi phạm nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an.
Trong ngày 20/10, Hội đồng Bảo an LHQ đã tổ chức một cuộc họp kín khẩn cấp về vụ phóng tên lửa nói trên của Triều Tiên. Theo các nhà ngoại giao giấu tên, các thành viên của Hội đồng Bảo an không nêu bất kỳ đề xuất nào về một tuyên bố chung tại cuộc họp kín hôm 20/10.
Trước đó, hôm 1/10, Hội đồng Bảo an LHQ đã tổ chức phiên họp khẩn về các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên gần đây nhưng không thể ra tuyên bố chung do sự phản đối của Nga và Trung Quốc. Pháp muốn một tuyên bố công khai nhưng Nga và Trung Quốc nói chưa đến lúc, cần thêm thời gian để phân tích tình hình.
Năm 2017, với sự thuyết phục của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, Hội đồng Bảo an LHQ nhất trí 3 lần ban hành các lệnh cấm vận kinh tế lên Triều Tiên sau một vụ thử hạt nhân và nhiều vụ phóng tên lửa.