Mỹ chi 2 triệu USD/tháng bảo vệ cựu Ngoại trưởng Pompeo và phụ tá
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết nước này đang chi hơn 2 triệu USD mỗi tháng để bảo vệ cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo và một phụ tá cấp cao 24/7.
Theo hãng tin AP, hai nhân vật này phải đối mặt với những mối đe dọa “nghiêm trọng” từ Iran.
Trong một báo cáo trình Quốc hội, Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay chi phí để bảo vệ ông Pompeo và cựu phái viên chuyên về Iran Brian Hook từ tháng 8/2021 đến tháng 2/2022 là 13,1 triệu USD. Tài liệu được ghi ngày 14/2 và dán nhãn “nhạy cảm nhưng không bảo mật”.
Trước đó, dưới thời của cựu Tổng thống Donald Trump, Ngoại trưởng Pompeo và cố vấn Hook đã dẫn dắt một chiến dịch “gây sức ép tối đa” đối với Iran. Tình báo Mỹ đánh giá mối đe dọa đối với hai nhân vật này vẫn còn hiện hữu sau khi họ rời vị trí.
Mối đe dọa còn tồn tại ngay cả khi chính quyền của Tổng thống Joe Biden tham gia các cuộc đàm phán với Iran về việc nối lại thỏa thuận hạt nhân mang tính bước ngoặt năm 2015.
Sau khi hết nhiệm kỳ, cựu Ngoại trưởng Pompeo được hưởng chế độ bảo vệ 180 ngày do các nhân viên thuộc Cục An ninh Đối ngoại thực hiện. Tuy nhiên, đãi ngộ đó đã được Ngoại trưởng Antony Blinken liên tục gia hạn trong 60 ngày do “còn mối đe dọa nghiêm trọng từ một thế lực nước ngoài, phát sinh từ những lần làm nhiệm vụ của cựu Ngoại trưởng Pompeo”.
Cố vấn Hook, người cùng với Ngoại trưởng Pompeo đại diện cho việc chính quyền Tổng thống Trump áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran, cũng được Ngoại trưởng Blinken cấp cho chế độ bảo vệ tương tự. Bộ Ngoại giao Mỹ cùng với Giám đốc Tình báo Quốc gia sẽ phải quyết định vào 16/3 tới đây xem liệu có cần tiếp tục gia hạn chế độ bảo vệ hay không.
Thông tin được đưa ra trong bối cảnh ngân sách bảo vệ đặc biệt sẽ cạn kiệt vào tháng 6 tới.
Giới chức hiện tại của Mỹ cho biết các mối đe dọa đã được đưa ra thảo luận trong cuộc đàm phán hạt nhân ở Vienna với Iran. Phía Tehran đã yêu cầu dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt từ thời cựu Tổng thống Trump, bao gồm việc gắn nhãn "tổ chức khủng bố nước ngoài" lên lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran.
Các cuộc đàm phán tại Vienna được kỳ vọng sẽ sớm đưa ra một thỏa thuận nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân mà chính quyền Tổng thống Trump quyết định rút khỏi năm 2018. Tuy nhiên, một số vấn đề nhỏ giữa Mỹ và Iran chưa được giải quyết cùng với yêu cầu mới của Nga đã khiến kết quả đàm phán còn bỏ ngỏ.