Mỹ chi 30 triệu USD phá siêu tàu đổ bộ cháy
Theo The Drive, Mỹ quyết định loại biên tàu tấn công đổ bộ USS Bonhomme Richard bị cháy do chi phí sửa chữa hoặc cải hoán còn cao hơn đóng mới.
Quyết định được Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ (USMC) đưa ra sau khi đánh giá mức độ thiệt hại của conn tàu là hơn 60%.
"Chúng tôi quyết định không sửa chữa tàu USS Bonhomme Richard bị hư hại nặng trong vụ cháy bùng phát hôm 12/7, thay vào đó sẽ loại biên và chi khoảng 30 triệu USD để rã sắt vụn con tàu", USMC ra tuyên bố cho biết.
Vụ hỏa hoạn xảy ra khi tàu tấn công đổ bộ USS Bonhomme Richard đang neo đậu tại cảng San Diego để bảo dưỡng. 63 thủy thủ và nhân viên cứu hỏa bị thương vì vụ nổ và trong quá trình dập lửa.
Thiếu tướng hải quân Eric Ver Hage, Giám đốc Trung tâm Bảo dưỡng Vùng hải quân, cho biết: "Sau khi xem xét kỹ lưỡng, lãnh đạo Hải quân quyết định loại biên tàu Bonhomme Richard do chịu thiệt hại nặng trong trận hỏa hoạn hồi tháng 7".
Hải quân Mỹ cho biết nếu muốn khôi phục USS Bonhomme Richard tương tự như lúc chưa cháy, họ sẽ phải chi gần 3,5 tỷ USD cộng với thời gian hoàn thành dự kiến mất khoảng 5 đến 7 năm.
Một phương án sửa chữa khác ít tốn kém hơn là cải hoán USS Bonhomme Richard thành tàu bệnh viện hoặc tàu hậu cần phục vụ tàu ngầm, nhưng cũng đòi hỏi hơn một tỷ USD chi phí và cũng mất khoảng thời gian tương tự mới có thể hoàn thành.
Mặc dù vậy, quá trình rã xác chiếc USS Bonhomme Richard dự kiến mất khoảng một năm. Hiện Hải quân Mỹ bắt đầu tháo gỡ những hệ thống còn sử dụng được trên tàu, song chưa bàn giao xác tàu cho các cơ sở rã sắt vụn cho tới khi lực lượng hoàn tất điều tra vụ hỏa hoạn.
Theo USNI News, việc loại bỏ USS Bonhomme Richard có tác động tiêu cực đến sức mạnh của Thủy quân lục chiến Mỹ (USMC). Bởi con tàu là một trong những chiếc tàu tấn công đổ bộ lớp Wasp đã được nâng cấp để trang bị tiêm kích tàng hình F-35B để thực hiện nhiệm vụ trên những vùng biển xa.
"USS Bonhomme Richard là 1 trong 10 tàu đổ bộ tấn công hạng nặng của Mỹ. Những chiến hạm này được coi là thành phần quan trọng nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc và đối thủ Nga, việc mất đi một chiếc cũng gây ảnh hưởng lớn đến toàn bộ hạm đội", nguồn tin cho biết.
Điều đặc biệt là khi xảy ra vụ cháy, tàu USS Bonhomme Richard đang đậu ngay bên cạnh tàu khu trục USS Fitzgerald - chiến hạm từng đâm phải tàu hàng năm 2017 và mất nhiều năm sửa chữa.
Hạm trưởng USS Fitzgerald tỏ ra lo ngại về quy định an toàn cháy nổ tới mức phải viết một bản ghi nhớ nội bộ về 15 sự cố riêng rẽ tại nhà máy ở San Diego.
"Không có nhân viên giám sát cháy nổ, vật liệu dễ cháy bị bắt lửa, sàn tàu bốc khói âm ỉ, những đám cháy phá hủy dây cáp và thiết bị mà không được báo cáo", bản ghi nhớ có đoạn viết.
Các chỉ huy hải quân Mỹ thường tập trung vào khả năng chiến đấu và sống sót trên chiến trường, nhưng không nhiều người chú ý tới những sự cố cháy nổ trong thời gian bảo dưỡng.
"Quá trình bảo dưỡng, nâng cấp ở nhà máy là một trong những giai đoạn nguy hiểm nhất với chiến hạm. Các hệ thống bảo đảm an toàn trên tàu bị vô hiệu hóa, cửa ngăn cách giữa các khoang không thể đóng bởi dây cáp và thiết bị, nhiều vật liệu dễ cháy nằm bừa bãi, trong khi công nhân chịu nhiều áp lực và thường tìm cách rút ngắn công đoạn.
Việc không tuân thủ quy định an toàn có thể dẫn tới thảm họa trong môi trường như vậy", Hạm trưởng USS Fitzgerald cho biết.
USS Bonhomme Richard là chiếc thứ sáu trong lớp tàu đổ bộ tấn công Wasp, loại chiến hạm lớn thứ hai trong biên chế Hải quân Mỹ, chỉ sau tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân.