Mỹ chi 42 tỷ USD để phổ cập internet vào năm 2030
Nhà Trắng hôm thứ Hai (26/6) đã phân chia 42 tỷ USD cho 50 tiểu bang và vùng lãnh thổ của Mỹ để phổ cập quyền truy cập internet băng thông rộng tốc độ cao vào năm 2030.
Khoản tài trợ được ủy quyền theo dự luật cơ sở hạ tầng trị giá 1 nghìn tỷ đô mà ông Biden đã ủng hộ vào năm 2021.
Texas và California, hai tiểu bang đông dân nhất nước Mỹ, đứng đầu danh sách tài trợ với các khoản viện trợ lần lượt là 3,1 tỷ đô và 1,9 tỷ đô. Các bang ít dân cư hơn như Virginia, Alabama và Louisiana cũng nằm trong danh sách top 10 nhận được nhiều tài trợ nhất do thiếu truy cập băng thông rộng. Các tiểu bang này có các khu vực nông thôn rộng lớn, ít kết nối với internet hơn so với các thành phố lớn.
"Đây là khoản đầu tư lớn nhất vào internet tốc độ cao từ trước đến nay. Hiện nay, việc truy cập internet cũng quan trọng như điện, nước hoặc các dịch vụ cơ bản khác", ông Biden phát biểu tại Nhà Trắng hôm thứ Hai. Các khoản viện trợ sẽ dao động từ 27 triệu đô (cho quần đảo Virgin) đến hơn 3,3 tỷ đô (cho Texas).
Ông Biden cũng chuẩn bị đưa ra một bài phát biểu kinh tế lớn vào thứ Tư tại Chicago. Cuộc bầu cử sắp tới cũng sẽ là một cuộc trưng cầu dân ý về cách ông Biden điều hành nền kinh tế đất nước, hay còn gọi là "Bidenomics". Ông đã tạo thêm việc làm và đưa tỷ lệ thất nghiệp xuống mức thấp, đổi lại khiến lạm phát tăng cao và lãi suất cao hơn làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế.
Hơn một nửa người Mỹ được hỏi (54%) không tán thành cách làm của ông Biden, trong khi chỉ 35% số người được hỏi tán thành cách ông quản lý nền kinh tế, theo một cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos vào đầu tháng này. Đảng Dân chủ đã mất quyền kiểm soát Hạ viện Mỹ trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022.
Chính quyền Mỹ ước tính có khoảng 8,5 triệu địa điểm ở Mỹ thiếu quyền truy cập vào internet băng thông rộng. Các tiểu bang dự kiến sẽ đệ trình các kế hoạch ban đầu vào cuối năm nay để giải ngân 20% số tiền tài trợ. Sau khi các kế hoạch được hoàn thiện, dự kiến đến năm 2025, chính phủ sẽ giải ngân số tiền còn lại.
Hoàng Nam (theo Reuters)