Mỹ chĩa mũi dùi vào đập Trung Quốc trên sông Mekong
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 1-8 chỉ trích hoạt động xây đập của Trung Quốc ở sông Mekong khiến mực nước giảm xuống mức thấp nhất trong 1 thập kỷ trở lại đây.
Phát biểu được Ngoại trưởng Mỹ đưa ra tại thủ đô Bangkok – Thái Lan, nơi ông gặp gỡ bộ trưởng các nước Sáng kiến Hạ lưu sông Mekong. Họ phàn nàn các đập xây dựng ở vùng thượng nguồn sông Mekong gây ra hạn hán cho các nước nằm ở hạ nguồn.
"(Nước) sông Mekong đang ở mức thấp nhất trong 1 thập kỷ, vấn đề liên quan đến quyết định chặn nước ở vùng thượng nguồn của Trung Quốc" – ông Pompeo cho biết.
Theo Reuters, hạn hán ở Thái Lan, chủ nhà tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các nước khác - bao gồm cả Trung Quốc và Mỹ, đã dẫn đến việc chính quyền yêu cầu nông dân ngừng hoạt động trồng lúa.
Trong cuộc gặp song phương giữa Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Thái Lan Don Pramudwinai, ông Vương cam kết sẽ giúp Bangkok quản lý nguồn nước ở sông Mekong.
Ông Vương cũng thông báo Trung Quốc vừa mới xả thêm nước vào thượng nguồn sông Mekong để giảm bớt tình trạng hạn hán ở Thái Lan.
"Đây là một vấn đề chung. Vấn đề của người dân Thái Lan cũng là vấn đề của người dân Trung Quốc. Mặc dù sông Lan Chang của Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng bởi hạn hán nhưng chúng tôi vẫn quyết định xả nước từ sông Lan Chang vào sông Mekong nhiều hơn những năm trước" – ông Vương nói tại cuộc gặp.
Trung Quốc đã xây dựng 10 đập trên thượng nguồn sông Mekong (được gọi là Lancang ở Trung Quốc) và có kế hoạch xây thêm 21 đập khác. Sông Mekong đi qua Thanh Hải, Tây Tạng và Vân Nam trước khi chảy vào Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.
Đã có nhiều lo ngại từ cộng đồng hạ nguồn sông Mekong về việc những con đập này sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh kế của họ. Ngoài việc xây dựng 10 đập bao gồm Jinghong dọc theo sông Mekong, Trung Quốc còn xem đoạn thượng nguồn của con sông này như một con sông nội địa.