Mỹ chính thức cấm nhập khẩu dầu từ Nga: Giá dầu thế giới tăng vọt

Trong phiên giao dịch sáng ngày 9/3 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thế giới tiếp tục tăng 4% so với phiên giao dịch trước khi thị trường phản ứng với tin tức Mỹ chính thức ra lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga và Vương quốc Anh cũng dự kiến ngưng mua dầu từ Nga vào cuối năm nay.

Ngày 9/3, giá dầu thô của Mỹ WTI tăng hơn 1%, đạt ngưỡng 126 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent cũng tiến sát mốc 130 USD/thùng. Brent là loại dầu chuẩn của quốc tế, trong phiên giao dịch ngày 8/3 đã có lúc tăng lên đến 132,75 USD/thùng rồi sau đó hạ nhiệt.

Ngày 8/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đưa ra tuyên bố nước này cấm nhập khẩu dầu và các sản phẩm năng lượng từ Nga do cuộc xung đột Nga - Ukraine. Quyết định này được các cử tri và các nhà lập pháp Mỹ hỗ trợ mạnh mẽ, cho dù động thái này sẽ khiến giá năng lượng của Mỹ tăng, dẫn đến lạm phát của nước này cũng sẽ tăng.

“Chúng tôi đưa ra quyết định này sau khi tham vấn với các nước đồng minh và đối tác trên khắp thế giới, đặc biệt tại châu Âu. Chúng tôi đang làm việc chặt chẽ với châu Âu và các nước đối tác nhằm đưa ra chiến lược dài hạn nhằm giảm sự phụ thuộc vào Nga” - Tổng thống Biden nói trong cuộc họp báo mới đây.

Năm 2021, Mỹ nhập khẩu ước tính 672.000 thùng dầu/ngày các sản phẩm dầu từ Nga, tương đương khoảng 8% tổng lượng nhập khẩu vào Mỹ, theo số liệu cung cấp bởi quỹ Lipow Oil Associates dựa trên số liệu của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA). Mặc dù không phải nước nhập khẩu dầu thô lớn của Nga nhưng quyết định cấm vận của Mỹ có thể sẽ kéo theo quyết định cấm vận của các nước đồng minh.

Cũng trong ngày 8/3, Tập đoàn Shell cũng có thông báo ngừng mua dầu thô của Nga và sẽ đóng cửa các trạm dịch vụ của mình ở nước này. Shell cho biết họ có kế hoạch chấm dứt ngay việc mua dầu thô của Nga trên thị trường giao ngay và không gia hạn hợp đồng, trừ khi có chỉ đạo khác từ các chính phủ. Công ty cho biết họ sẽ chuyển chuỗi cung ứng của mình sang loại bỏ hoàn toàn dầu thô của Nga.

Trước đó, nước Anh cũng thông báo biện pháp hạn chế nhập khẩu dầu Nga, khẳng định sẽ ngừng hoàn toàn việc nhập khẩu sản phẩm năng lượng từ nước này trước thời điểm cuối năm. Liên minh châu Âu (EU) cũng công bố kế hoạch giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch từ Nga.

Theo thống kê, hiện nay, Nga xuất khẩu khoảng 5 triệu thùng dầu mỗi ngày. 3 nguồn cung dầu có thể được bổ sung để hạ nhiệt tình trạng thiếu hụt gồm: Iran, Venezuela, OPEC+ và có thể thêm nguồn dầu từ các kho dự trữ chiến lược. Tuy nhiên, tất cả đều cần thời gian. Hiện, Iran và Venezuela vẫn đang chịu lệnh cấm vận dầu của Mỹ. Để bơm được nguồn dầu này vào thị trường, Mỹ cần tổ chức các buổi đàm phán.

Trong khi đó, các quốc gia thuộc OPEC+ đã thực hiện kế hoạch tăng sản lượng khai thác 400.000 thùng/ngày mỗi tháng, theo thỏa thuận đã đạt được vào tháng 4/2021 của nhóm. Nhưng thực tế từ nhiều tháng qua cho thấy, OPEC+ chưa khi nào đạt được mức tăng sản lượng như kỳ vọng, bởi không ít nước thành viên của nhóm đang gặp khó khăn trong việc tăng sản lượng, đáp ứng hạn ngạch được phân bổ.

Các tính toán cũng cho thấy, nếu các nhà sản xuất lớn của OPEC+ tăng tối đa sản lượng khai thác cũng chỉ giải quyết được khoảng 2 triệu thùng/ngày.

Còn việc sử dụng các kho dự trữ dầu chiến lược cũng chỉ là bài toán trong ngắn hạn. Con số 60 triệu thùng dầu từ các kho dự trữ chiến lược mà Mỹ và một số nước tiêu thụ dầu lớn thực hiện cũng chỉ duy trì được 30 ngày, với kịch bản các nước này bổ sung 2 triệu thùng/ngày vào thị trường.

Thu Thủy

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/my-chinh-thuc-cam-nhap-khau-dau-tu-nga-gia-dau-the-gioi-tang-vot-173051.html