Mỹ chính thức thông báo giảm hiện diện quân sự tại Iraq
Binh sĩ Mỹ tới Fort Bragg, Bắc Carolina, Mỹ. Nguồn: AFP/TTXVN
* Đức cân nhắc cắt giảm số lượng binh sĩ đang đồn trú tại Iraq
Ngày 9/9, quân đội Mỹ chính thức thông báo giảm sự hiện diện của lực lượng này tại Iraq từ 5.200 binh sĩ xuống còn 3.000 binh sĩ trong tháng 9.
Phát biểu trong chuyến công du Iraq, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ, tướng Frank McKenzie, tuyên bố: "Chúng tôi đang tiếp tục mở rộng các chương trình phát triển năng lực đối tác nhằm hỗ trợ các lực lượng Iraq và cho phép chúng tôi giảm bớt sự hiện diện ở Iraq".
Tháng trước, trong cuộc gặp Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhemi lần đầu tiên tại thủ đô Washington, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định Mỹ sẽ rút quân khỏi Iraq, tuy nhiên không đưa ra thời gian cụ thể để thực hiện kế hoạch trên.
Trước đó, hồi tháng 6, Mỹ và Iraq ra tuyên bố chung khẳng định cam kết sẽ cắt giảm số binh sĩ Mỹ đồn trú ở Iraq trong vài tháng, song không nêu con số cụ thể.
Tuyên bố được đưa ra tại cuộc đối thoại chiến lược đầu tiên giữa hai nước trong hơn một thập kỷ qua, vài tháng sau khi Quốc hội Iraq thông qua nghị quyết yêu cầu tất cả binh sĩ nước ngoài rời khỏi lãnh thổ Iraq sau vụ không kích của máy bay không người lái Mỹ ở Baghdad khiến một chỉ huy quân sự cấp cao của Iran thiệt mạng, dẫn tới gia tăng căng thẳng giữa Washington và Tehran.
Mỹ đã rút quân khỏi Iraq vào năm 2011 sau 8 năm dẫn đầu cuộc chiến nhằm lật đổ chính quyền Tổng thống Saddam Hussein. Sau đó, Iraq rơi vào xung đột giáo phái nghiêm trọng. Năm 2014, Mỹ triển khai hàng nghìn binh sĩ trở lại Iraq dưới hình thức liên minh chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Cùng ngày, Chính phủ Đức cho biết nước này đang xem xét khả năng cắt giảm số lượng binh sĩ nước này đang đồn trú tại Iraq.
Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer cho biết Berlin muốn duy trì tối đa 500 quân tại quốc gia Trung Đông.
Tuy nhiên, bà Kramp-Karrenbauer cũng nhấn mạnh ngay cả trong đại dịch COVID-19, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng vẫn tiếp tục thực hiện các hoạt động khủng bố. Do đó, Đức và liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu vẫn phải duy trì sức ép quân sự lên lực lượng này.
Những cam kết của Đức tại Iraq là một phần sứ mệnh tham gia liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu trong cuộc chiến chống IS. Cùng với liên quân quốc tế, Berlin cũng đã triển khai nhiều máy bay chiến đấu Tornado, radar giám sát không phận và khả năng vận tải cũng như tham gia nhiệm vụ huấn luyện cho các lực lượng an ninh Iraq.
Phần lớn binh sĩ Đức được triển khai tới Iraq hiện đồn trú tại khu vực người Kurd ở miền bắc nước này.
Tháng 9/2019, Nội các Đức đã nhất trí phê chuẩn quyết định kéo dài nhiệm vụ huấn luyện lực lượng an ninh Iraq đến cuối tháng 10, thêm 1 năm so với kế hoạch ban đầu là tháng 10/2019.
Bên cạnh đó, Nội các Đức cũng nhất trí giảm số lượng binh sĩ Đức được triển khai tại khu vực này từ 800 xuống còn 700 người, đồng thời kéo dài việc triển khai các máy bay chiến đấu Tornado của Đức ở Jordan cũng như việc sử dụng máy bay tiếp nhiên liệu cho liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria và Iraq đến cuối tháng 3/2020.