Mỹ cho phép tiêm trộn vaccine Covid-19 với mũi thứ 3
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ vẫn khuyến cáo việc tiêm cùng loại vaccine Covid-19 là tốt nhất.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho hay trong tuần này, người dân có thể tiêm vaccine Covid-19 mũi thứ 3 khác loại với hai liều trước đó. Quyết định này của FDA được xem là động thái “bật đèn xanh” cho việc tiêm trộn các loại vaccine Covid-19 cũng như đồng ý về mũi tiêm tăng cường tại Mỹ.
Khuyến khích tiêm cùng loại
Điều này không có nghĩa chính phủ Mỹ khuyến khích tiêm hết loại vaccine Covid-19 này sang loại khác. Theo NY Times, việc sử dụng cùng loại vaccine Covid-19 vẫn được khuyến khích hơn. Việc phân bổ loại vaccine nào thay thế cho mũi thứ 3 sẽ do giới chức y tế các tiểu bang quyết định.
Quyết định này được đưa ra sau khi các nhà nghiên cứu của Viện Y tế Quốc gia phát hiện “tiêm trộn” vaccine Johnson & Johnson và Moderna tạo ra mức kháng thể cao gấp 76 lần sau 15 ngày. Con số này ở người tiêm hai liều Johnson & Johnson chỉ tăng gấp 4 lần. Trước đó, nhà sản xuất J&J khuyến cáo vaccine của họ chỉ cần một liều tiêm, song, hiệu quả bảo vệ của nó đã giảm sút mạnh theo thời gian.
Trong khi đó, sự gia tăng phản ứng miễn dịch giữa các vaccine mRNA (Moderna, Pfizer) khá nhỏ để thực sự tạo ra sự khác biệt về khả năng bảo vệ. Trong đó, người tiêm cả 3 mũi Moderna có phản ứng miễn dịch tốt nhất. Xếp thứ hai là người tiêm hai liều Pfizer, bổ sung liều 3 bằng Moderna. Cuối cùng là người tiêm đủ hai liều Moderna, tăng cường bằng Pfizer.
FDA dự kiến cấp phép cho việc tiêm kết hợp liều tăng cường là Moderna cho người đã tiêm một liều J&J vào ngày 20/10. Trong đơn xin phê duyệt mũi vaccine tăng cường, J&J cũng khuyến nghị nên tiêm sau 2-6 tháng kể từ mũi 1. Tháng trước, cơ quan này đã cho phép người dân tiêm đủ hai mũi Pfizer được tiêm mũi 3 cùng loại sau ít nhất 6 tháng kể từ liều thứ hai.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cũng sẽ chốt việc có cho Moderna, J&J tiêm mũi tăng cường hay không vào ngày 21/10. NY Times dự đoán với lộ trình này, hàng chục triệu người Mỹ có thể đủ điều kiện để tiêm bổ sung.
Giới chức y tế liên bang cũng đang dự định mở rộng số lượng người Mỹ tiêm mũi tăng cường. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) hiện cho phép tiêm liều thứ ba của vaccine mRNA (Pfizer/BioNTech và Moderna) cho một số người có hệ miễn dịch suy yếu. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến nghị tiêm liều thứ 3 của hai loại vaccine này cho những người có hệ miễn dịch suy yếu từ mức độ trung bình đến nghiêm trọng.
Những người có hệ miễn dịch suy giảm bao gồm: Bệnh nhân đang được điều trị ung thư tích cực (u đặc hoặc ung thư hệ tạo máu); bệnh nhân được ghép tế bào gốc trong vòng 2 năm hoặc đang dùng thuốc ức chế miễn dịch; bệnh nhân đang điều trị tích cực bằng corticosteroid liều cao hoặc các loại thuốc khác có thể ức chế phản ứng miễn dịch.
Liều vaccine thứ 3 nên được tiêm sau liều thứ 2 ít nhất 4 tuần. Theo CDC, bệnh nhân nên sử dụng cùng một loại vaccine mRNA cho liều thứ 3. Nếu không có loại tương tự (hoặc không biết một người đã tiêm loại vaccine mRNA nào), bệnh nhân có thể tiêm vaccine mRNA khác cho liều thứ 3.
Tranh luận
Khi Viện Y tế Quốc gia công bố kết quả nghiên cứu, nhiều chuyên gia không đồng ý với việc FDA sử dụng dữ liệu này để đưa kết luận. Nguyên nhân là nghiên cứu chỉ thực hiện trên nhóm nhỏ tình nguyện viên (458 người), theo dõi trong thời gian ngắn. Phản ứng miễn dịch được đo chỉ là một phần của dữ liệu sơ bộ, không phải mức tế bào miễn dịch chuẩn bị để tấn công, tiêu diệt nCoV.
Một vấn đề khiến giới khoa học lo ngại đó là vaccine J&J đã được cảnh báo có thể gây tác dụng phụ hiếm gặp đông máu. Hiện tượng này phổ biến hơn ở phụ nữ dưới 50 tuổi. Nếu các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe có quyền tự do đề xuất loại vaccine để tiêm tăng cường, nguy cơ bất lợi cho người tiêm cũng tăng theo. Chưa kể, vaccine mRNA còn đang có nguy cơ gia tăng viêm cơ tim ở nam giới trẻ.
Bên cạnh đó, giới chuyên gia cảnh báo không nên sử dụng kết quả nghiên cứu của Viện Y tế Quốc gia để kết luận công thức kết hợp vaccine Covid-19 nào tốt hơn. GS.TS E. John Wherry, Giám đốc Viện tiêm chủng Đại học Pennsylvania, nhận định lượng kháng thể thấp hơn sau khi tiêm mũi tăng cường bằng J&J không có nghĩa là khả năng bảo vệ kém hơn. Kết quả chúng ta cần quan tâm và phải chứng minh là việc tiêm kết hợp các mũi ban đầu và liều tăng cường khác loại là an toàn cho người dân.
Giám đốc Viện Nghiên cứu Scripps, Mỹ, Eric Topol đánh giá dữ liệu về mũi tiêm thứ 3 của Moderna còn nhiều lỗ hổng, hạn chế và không cung cấp thông tin đủ sâu về hiệu quả của nó như dữ liệu của Pfizer.
Trong khi dữ liệu về việc tiêm trộn vaccine Covid-19 còn ít ỏi, một số chuyên gia vẫn ủng hộ cần tiêm ngay cho nhóm dễ tổn thương, miễn dịch kém để bảo vệ họ càng sớm càng tốt.
Tình trạng phân cực vì mũi tăng cường cũng xuất hiện ở châu Âu. Một loạt chiến dịch tiêm mũi thứ 3 đang được triển khai trên khắp Liên minh châu Âu (EU) ngay cả khi Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) chưa đưa quy định và khuyến cáo nó có an toàn hay không. Trong khi đó, nhiều nước EU cũng đang "án binh bất động" chờ EMA.