Mỹ chọn học sinh thi Olympic Toán quốc tế như thế nào?
Sau nhiều vòng tuyển chọn, 6 học sinh đội tuyển Olympic Toán quốc tế của Mỹ bước vào quá trình huấn luyện khắt khe. Mỗi ngày, các thành viên của đội tuyển học từ 8h30 đến 18h.
Đội tuyển Mỹ thường đứng trong nhóm đầu của danh sách xếp hạng kỳ thi Olympic Toán quốc tế (IMO) hàng năm. Để đạt được thành tích ấn tượng, các thành viên đội tuyển phải trải qua quy trình tuyển chọn và huấn luyện khắt khe.
Quy trình tuyển chọn gắt gao
Đội tuyển Olympic Toán quốc tế (IMO) của Mỹ được tuyển chọn qua 3 vòng thi: AMC, AIME và USAMO. Hiệp hội Toán học Mỹ (MAA) là đơn vị tổ chức các cuộc thi này.
Vòng thi đầu tiên là AMC (American Math Competition), cuộc thi toán cấp trường. AMC được chia làm 3 loại là AMC 8, AMC 10 và AMC 12. AMC 8 dành cho học sinh lớp 8 trở xuống, AMC 10 dành cho học sinh lớp 10 trở xuống, AMC 12 dành cho học sinh lớp 12 trở xuống.
Những học sinh đạt thành tích tốt trong cuộc thi AMC 10 hoặc AMC 12 sẽ được mời tham gia kỳ thi AIME (American Invitational Math Exam).
AMC 10 và AMC 12 có 25 câu hỏi trắc nghiệm trong 75 phút. Mỗi câu trả lời đúng được 6 điểm. Kể từ năm 2007, thí sinh không được phép sử dụng máy tính.
Những thí sinh thuộc top 2,5% của AMC 10 hoặc 5% của AMC 12 sẽ được mời dự thi AIME.
Giống với AMC, thí sinh tham dự AIME không được phép sử dụng máy tính trong quá trình làm bài. Thông thường, AIME được chia làm 2 loại là AIME 1 và AIME 2. Thí sinh chỉ được chọn làm một trong hai bài thi.
AIME bao gồm 15 câu hỏi trong 3 giờ với độ khó tăng dần. Đặc biệt, toàn bộ đáp án trong đề thi đều là số nguyên từ 0 đến 999.
Theo The Art of Problem Solving, kể từ năm 2006, Mỹ chọn 375 thí sinh có điểm số cao nhất tham dự kỳ thi Olympic Toán toàn quốc USAMO (USA Math Olympiad).
Thí sinh phải giải quyết các bài toán về đại số, hình học, tổ hợp, xác suất. Bài thi bao gồm 6 câu hỏi, tính theo thang điểm từ 0 đến 7. Số điểm tối đa thí sinh có thể đạt là 42.
So với AIME, độ khó của USAMO cao hơn rõ rệt. Nhiều thí sinh thất vọng vì điểm thi USAMO không được như mong đợi.
12 thí sinh xuất sắc sẽ được mời tham dự lễ trao giải ở Washington. Sáu thí sinh trong số đó được chọn để thành lập đội IMO, đại diện Mỹ tham dự kỳ thi Olympic Toán quốc tế.
Bên cạnh đó, những thí sinh này cũng được mời tham gia Trại hè Olympic Toán (MOP) kéo dài 3 tuần.
Quá trình ôn tập căng thẳng
MOP là trại hè do Đại học Carnegie Mellon, Mỹ, tổ chức. Đây là chương trình miễn phí, không giới hạn số người tham gia. Thông thường, MOP diễn ra vào 3 tuần cuối cùng của tháng 6 hàng năm.
Ngoài 12 thí sinh xuất sắc của USAMO, 30 thí sinh khác cũng được mời tham gia trại hè. Những thí sinh "dự bị" này sẽ được cung cấp nền tảng, chuẩn bị cho kỳ thi năm sau.
MOP được chia thành 3 nhóm, tương ứng 3 đối tượng thí sinh khác nhau.
Black MOP bao gồm những thí sinh đạt điểm cao nhất trong kỳ thi USAMO trong năm đó.
Blue MOP dành cho nhóm thí sinh thứ hai, chủ yếu bao gồm các học sinh vừa tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc học sinh lớp 11. Tuy nhiên, Blue MOP có ngoại lệ, học sinh lớp 7 và 8 vẫn có thể tham gia.
Red MOP bao gồm 30 thí sinh dự bị của USAMO và các thí sinh Olympic Toán dành cho nữ. Ba nhóm sẽ tham gia các lớp học và làm bài kiểm tra riêng biệt. Mỗi nhóm được cung cấp tài liệu khác nhau để thực hành.
Trong 3 tuần hoạt động trại hè, học sinh phải tuân theo lịch trình chặt chẽ với 3 buổi học trong ngày: Sáng (8h30-10h), trưa (10h15-11h45), chiều (13h15-14h45). Toàn bộ buổi học đều có giảng viên giám sát.
Đặc biệt, 6 thí sinh đội tuyển IMO phải tham dự một cuộc họp kéo dài đến 18h.
Po-Shen Loh, thành viên đội tuyển IMO của Mỹ năm 2016, cho biết trại hè MOP là nơi để lại cho anh nhiều kỷ niệm đáng nhớ nhất. Tại đây, anh có cơ hội làm quen những thí sinh tài năng đến từ nhiều quốc gia như Trung Quốc, Canada.
"Tôi không đến trại hè để đánh bại người khác, mà cùng họ làm việc trong 3 tuần", Po-Shen Loh trả lời New York Times.
Những người tham gia MOP liên tục trải qua các bài kiểm tra, đánh giá năng lực. Sau vài ngày, thí sinh phải làm bài thi gồm 4 câu hỏi, kéo dài trong 4 giờ. Kết quả thi được công bố sau 2-3 ngày.
Các bài thi nhóm cũng được tổ chức hàng tuần. Toàn bộ thí sinh được chia thành các đội gồm 5 người. Trong nửa tuần, các đội phải giải 30 bài toán.
Đến ngày họp trại, các đội giúp nhau giải quyết những bài toán khó. Nhiều thành viên tham gia trại hè cảm thấy hào hứng khi được xem các đội đưa ra những cách giải sáng tạo, độc đáo.
Năm 2008, Mỹ phát hành bộ phim tài liệu Hard Problems: The Road to the World’s Toughest Math Contest. Đây là bộ phim ghi lại hành trình chinh phục kỳ thi Olympic Toán học quốc tế của 6 thành viên đội IMO năm 2006.
Qua bộ phim dài 1 giờ 20 phút, khán giả hiểu hơn về quy trình luyện tập của các thành viên trong đội. Trong 3 tuần luyện tập căng thẳng, 6 thí sinh phải tham dự nhiều buổi luyện đề, hội thảo để thi đấu với 500 đối thủ đến từ 90 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Sự tận tâm, kiên trì và niềm vui khi giải Toán của những học sinh tài năng đã truyền cảm hứng học Toán cho nhiều thế hệ học sinh Mỹ sau này.