Mỹ chuẩn bị cho chương mới trong quan hệ với Afghanistan sau 20 năm hiện diện quân sự

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm qua (31/8) tự tin tuyên bố có đủ khả năng gây sức ép buộc các nhà lãnh đạo Taliban tại Afghanistan phải tôn trọng những cam kết.

Không còn quân sự, chỉ với vũ khí kinh tế và ngoại giao, Mỹ sẽ điều hướng mối quan hệ với Afghanistan như thế nào để bảo vệ những thành quả của 20 năm hiện diện quân sự? Những binh sĩ cuối cùng đã rời đi, song Mỹ cũng không thể bỏ mặc một quốc gia trong quá khứ từng là nơi dung dưỡng cho những kẻ khủng bố tấn công.

Lính Mỹ và trẻ em Afghanistan tại sân bay Kabul. Ảnh: Thủy quân lục chiến Mỹ.

Lính Mỹ và trẻ em Afghanistan tại sân bay Kabul. Ảnh: Thủy quân lục chiến Mỹ.

Trong phát biểu đầu tiên kể từ khi những binh sĩ Mỹ cuối cùng rời khỏi Afghanistan, Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm qua tuyên bố: “Taliban đã thực hiện các cam kết công khai về việc thiết lập hành lang an toàn cho bất kỳ ai muốn rời đi, kể cả những người từng làm việc cùng với người Mỹ. Chúng tôi không đánh giá họ bằng lời nói, mà bằng hành động và chúng tôi có những đòn bẩy để đảm bảo các cam kết đó được thực hiện”.

Trong khi đó, Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan cảnh báo, Mỹ sẽ chờ đợi những hành động cụ thể của Taliban trước khi quyết định tương lai viện trợ kinh tế và phát triển cho Afghanistan. Theo Chuyên gia Michael Kugelman tại Trung tâm Wilson, viện trợ kinh tế là “mũi tên quyền lực nhất” mà Mỹ hiện có để gây sức ép với Taliban. Nước này hiện nắm trong tay chìa khóa tiếp cận với 9 tỷ USD dự trữ ngoại tệ đang bị đóng băng của Afghanistan.

Tuy nhiên, “mũi tên” kinh tế mà Mỹ hiện có liệu có còn sắc nhọn như cách đây 20 năm, 10 năm hay 5 năm trở lại đây? Chuyên gia Graeme Smith tại Nhóm khủng hoảng quốc tế cho rằng phương Tây luôn bị ám ảnh bởi các chiến thuật gây áp lực, nhưng thực tế lại không như vậy. Một mô hình quan hệ mới đang dần được thiết lập, từ “cho và nhận” sang “thương lượng và không ép buộc”.

Ngoài ưu tiên ưu tiên trước mắt là sơ tán nốt những công dân còn mắc kẹt tại Afghanistan và tiếp tục gia tăng áp lực ngoại giao với Taliban, về lâu dài, lợi ích của Mỹ vẫn tập trung vào cuộc chiến chống khủng bố. Tổng thống Biden khẳng định, Mỹ đã đạt được mục tiêu ban đầu của mình ở Afghanistan, đó là ngăn chặn nước này một lần nữa trở thành “bệ phóng” cho các cuộc tấn công vào lãnh thổ Mỹ. Và mục tiêu lúc này của Mỹ là đảm bảo cho những thành quả này không bị “trôi sông đổ biển”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nhấn mạnh: “Chúng tôi đã nghe một loạt tuyên bố từ Taliban, một số trong đó là tích cực và mang tính xây dựng. Nhưng cuối cùng, những gì chúng tôi và các đối tác quốc tế tìm kiếm là hành động chứ không phải lời nói để quyết định vấn đề hiện diện ngoại giao trong tương lai hay bất kỳ vấn đề nào liên quan tới việc công nhận hay hỗ trợ”.

Dựa trên những đảm bảo chống khủng bố của Taliban, cũng như cam kết về một chính phủ bao trùm, áp lực của Mỹ phần nào có thể nói là thành công. Và đây cũng là lý do tại sao cho tới tận thời điểm hiện nay, Mỹ vẫn tin tưởng vào các nỗ lực đối thoại tại Qatar, nhượng bộ lên lề thay vì đối với các vấn đề trọng tâm để bảo vệ các thành quả của 20 năm tham chiến tại Afghanistan./.

Thu Hoài/VOV1 (tổng hợp)

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/my-chuan-bi-cho-chuong-moi-trong-quan-he-voi-afghanistan-sau-20-nam-hien-dien-quan-su-887358.vov