Mỹ chuẩn bị cho thương vụ vũ khí 1 tỷ USD với Israel
Theo hai nguồn tin trong Quốc hội Mỹ, ngày 14/5, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã bắt đầu giai đoạn đầu của quá trình thu xếp một hợp đồng vũ khí mới trị giá 1 tỷ USD cho Israel.
Theo kênh CNN, Bộ Ngoại giao Mỹ đã mở các cuộc thảo luận với Ủy ban Đối ngoại tại Hạ viện và Thượng viện về thương vụ vũ khí này sau khi có thông báo không chính thức vào ngày 14/5. Chưa có thông tin về thời điểm mà Quốc hội Mỹ sẽ chính thức được thông báo về hợp đồng vũ khí trên để bắt đầu ấn định thời gian phê duyệt.
Thương vụ bán vũ khí mới trị giá 1 tỷ USD nói trên sẽ bao gồm đạn dược cho xe tăng trị giá 700 triệu USD, các phương tiện chiến thuật trị giá 500 triệu USD và đạn súng cối trị giá 60 triệu USD. Tạp chí Phố Wall là tờ báo đầu tiên đưa tin về các cuộc thảo luận của chính quyền Mỹ với Quốc hội về thương vụ này.
Tuy nhiên, số vũ khí trong hợp đồng này sẽ không sớm được chuyển tới Israel. Thương vụ này vẫn cần phải được thông báo chính thức trước Quốc hội Mỹ và được đồng ý. Đây có thể là quá trình kéo dài và có thể bị Quốc hội Mỹ phản đối.
Mặc dù các quan chức Mỹ nói rằng các trường hợp vận chuyển vũ khí khác tới Israel sẽ được xem xét, nhưng họ cũng tuyên bố Mỹ sẽ tiếp tục đảm bảo rằng Israel có năng lực quân sự để tự vệ. Điều này cho thấy các thỏa thuận vũ khí về dài hạn sẽ không phải tạm dừng vào thời điểm này.
Quyết định thúc đẩy hợp đồng vũ khí mới này xuất hiện sau khi chính quyền Mỹ đã tạm dừng chuyển bom hạng nặng cho Israel vì lo sợ nước này sẽ dùng trong chiến dịch ở thành phố Rafah ở phía Nam Dải Gaza.
Ngày 13/5, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ quân sự và chúng tôi sẽ đảm bảo rằng Israel nhận được toàn bộ số vũ khí trong đợt bổ sung. Chúng tôi đã tạm dừng vận chuyển bom hạng nặng vì chúng cho rằng không nên dùng bom này thả xuống các thành phố đông dân cư. Chúng tôi đang nói chuyện với chính phủ Israel về vấn đề này”.
Trước đó, ngày 8/5, Tổng thống Biden tuyên bố sẽ dừng cung cấp đạn pháo và các vũ khí khác cho Israel nếu nước này tấn công quy mô lớn vào thành phố Rafah. Tuy nhiên, ông Biden cũng cho biết Mỹ vẫn cam kết đối với nền quốc phòng của Israel và sẽ cung cấp các tên lửa đánh chặn cho hệ thống Vòm Sắt cũng như các vũ khí phòng thủ khác cho Israel.
Trong khi đó, bất chấp cảnh báo của Mỹ, các lực lượng Israel đã tăng cường tấn công từ phía Bắc cho tới phía Nam Dải Gaza, nhắm đến 120 địa điểm ở thành phố Rafah, các khu vực Jabaliya và Zeitoun.
Sư đoàn thiết giáp số 162 của Israel tăng cường oanh tạc ở phía Đông thành phố Rafah và khu vực cửa khẩu Rafah; tấn công các mục tiêu Hamas. Lực lượng biệt kích và bộ binh Israel tấn công Jabaliya trên bộ, trong khi Lực lượng Không quân tiến hành các cuộc không kích tại đây.
Theo ước tính của Cơ quan Liên hợp quốc về cứu trợ người tị nạn Palestine (UNRWA), khoảng 360.000 người đã di tản khỏi thành phố Rafah kể từ khi quân đội Israel ra lệnh sơ tán lần đầu tiên cách đây một tuần.
Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết trong cuộc điện đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant cuối tuần qua, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã nhắc lại quan điểm của Mỹ phản đối chiến dịch lớn trên bộ tại thành phố Rafah. Ngoại trưởng Blinken cũng nhấn mạnh tính cấp thiết phải bảo vệ dân thường và nhân viên cứu trợ ở Gaza, đồng thời kêu gọi Israel đảm bảo viện trợ có thể được chuyển đến Gaza và giúp giải quyết các thách thức phân phối bên trong vùng lãnh thổ này.
Chiến dịch quân sự tại Rafah đã gây ra một trong những rạn nứt lớn nhất trong nhiều thập kỷ qua trong quan hệ giữa Israel và đồng minh chủ chốt của nước này là Mỹ.
Kể từ khi xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas ở Gaza bùng phát ngày 7/10 năm ngoái, viện trợ vũ khí của Mỹ cho Israel đã tăng mạnh. Một quan chức giấu tên ước tính Mỹ đã chuyển 1.800 quả bom 900kg và 1.700 quả bom 225kg cho phía Israel.