Mỹ có số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ cao nhất thế giới
Số liệu thống kê do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ công bố ngày 26/7 cho thấy, nước này đã có 3.400 trường hợp xác nhận mắc bệnh đậu mùa khỉ hoặc ghi nhận các triệu chứng của căn bệnh này.
Theo đó, Mỹ hiện là quốc gia có số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ cao nhất thế giới.
Số các ca mắc bệnh đậu mùa khỉ tăng đột biến trong bối cảnh nước này đang tăng cường năng lực xét nghiệm, nhằm sớm kiểm soát chuỗi lây lan của dịch bệnh.
Một số chuyên gia y tế cộng đồng cho rằng, phạm vi lây nhiễm đang ngày càng mở rộng và tỷ lệ nghịch với khả năng ngăn chặn sự bùng phát của bệnh đậu mùa khỉ.
Hiện các ca bệnh phần lớn được ghi nhận ở nam giới có quan hệ tình dục đồng giới. Tuy nhiên, khi số lượng ca nhiễm gia tăng thì các khả năng lây truyền khác cũng xuất hiện.
Ngày 23/7, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chính thức kích hoạt cảnh báo cao nhất và tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp (PHEIC) đối với bệnh đậu mùa khỉ.
Điều này đồng nghĩa với việc WHO coi sự bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ là mối đe dọa đến sức khỏe toàn cầu, và các nước cần phối hợp để đẩy nhanh quá trình nghiên cứu và tài trợ để ngăn chặn bệnh lây lan.
Theo báo cáo công bố ngày 25/7 của WHO, bệnh đậu mùa khỉ hiện đã lây lan tại 75 nước trên thế giới, với hơn 16 nghìn trường hợp mắc bệnh.
Tuy nhiên, số lượng ca nhiễm thực tế có thể còn cao hơn, do nhiều nước hạn chế về năng lực xét nghiệm đối với căn bệnh này.
Cũng trong ngày 26/7, chính quyền thành phố New York (Mỹ) đã đề nghị WHO đổi tên virus bệnh đậu mùa khỉ để tránh sự kỳ thị, khiến những người mắc căn bệnh này có thể sẽ không khai báo để được chăm sóc y tế.
Tính đến ngày 26/7, New York đã ghi nhận 1.092 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ - nhiều hơn bất cứ thành phố nào khác tại Mỹ.
Trong 1 bức thư gửi tới Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, ủy viên phụ trách y tế cộng đồng thành phố New York - ông Ashwin Vasan nêu rõ: "Chúng tôi ngày càng lo ngại về những tác động tiềm ẩn về sự hủy hoại và kỳ thị mà những thông tin liên quan virus đậu mùa khỉ có thể gây ra cho những cộng đồng vốn đã dễ bị tổn thương".
Ông Ashwin Vasan cho biết, bệnh đậu mùa khỉ trên thực tế không thực sự xuất phát từ động vật linh trưởng như tên gọi hiện nay đang sử dụng. Ngoài ra, ông cũng đề cập đến "lịch sử đau đớn và phân biệt chủng tộc trong đó các thuật ngữ (như bệnh đậu mùa khỉ) được bắt nguồn từ các cộng đồng da màu".
Ông cũng điểm lại những tác động tiêu cực của thông tin sai lệch trong những giai đoạn đầu bùng phát đại dịch HIV/AIDS, và nạn phân biệt chủng tộc mà các cộng đồng châu Á phải đối mặt khi virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 thoạt đầu từng được gọi với cái tên "virus Trung Quốc".
Quan chức này cho rằng: "Việc tiếp tục sử dụng thuật ngữ "bệnh đậu mùa khỉ" để mô tả đợt bùng phát dịch bệnh hiện tại có thể kéo dài những đau thương về phân biệt chủng tộc và sự kỳ thị - đặc biệt đối với người da màu hay những người thuộc cộng đồng LGBTQIA+ (đồng tính, song tính, vô tính và chuyển giới) - và có thể họ sẽ né tránh tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế quan trọng vì lý do này".
Trên thực tế, bất cứ ai cũng có nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ. Căn bệnh này đã tồn tại từ lâu tại Trung và Tây Phi, và đến nay bắt đầu lây lan tại châu Âu và Mỹ, chủ yếu tập trung ở nam giới có quan hệ tình dục đồng giới.
Các triệu chứng đầu tiên khi mắc đậu mùa khỉ có thể bao gồm sốt và mệt mỏi. Vài ngày sau khi nhiễm virus, các vết phát ban trên cơ thể bệnh nhân có thể chuyển thành những vết tổn thương da gây đau đớn, chứa dịch mủ. Tình trạng này có thể kéo dài vài tuần cho đến khi bệnh nhân khỏi bệnh.
Cho đến nay, châu Âu và Mỹ chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong do căn bệnh này.
Hiện chính quyền thành phố New York đang triển khai tiêm phòng một số lượng hạn chế vaccine Jynneos cho người dân tại đây, chủ yếu là cho những người đồng tính và song tính nam.
Jynneos vốn là 1 loại vaccine ngừa bệnh đậu mùa, nhưng được xác nhận có hiệu quả tương đối với đối với bệnh đậu mùa khỉ.