Mỹ có thể dính đòn nặng nhất từ chính sách thuế đối ứng của mình
Chính sách thuế quan của chính quyền ông Trump được kỳ vọng sẽ bảo vệ ngành công nghiệp Mỹ, song nhiều khả năng chính nước này sẽ chịu thiệt hại nặng với GDP giảm tới hàng trăm tỷ USD.
Chính quyền Mỹ tuyên bố rằng chính sách thuế quan mới công bố hướng tới việc giảm thâm hụt thương mại và đối phó với các biện pháp không công bằng từ các quốc gia khác.
Theo kế hoạch, mỗi quốc gia bị áp mức thuế suất tối thiểu 10%, trong đó một số nước như Việt Nam (46%), Thái Lan (36%) và Trung Quốc (34%) bị áp thuế cao hơn đáng kể.

Tổng thống Donald Trump và bảng danh sách các quốc gia bị áp thuế nhập khẩu đối ứng mới tại Vườn Hồng, Nhà Trắng. Ảnh: Reuters.
Tuy nhiên, nhà phân tích Steven Vass của tờ Conversation UK đã áp dụng mô hình tính toán toàn cầu dựa trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP), cán cân thương mại và mức độ tiêu thụ hàng hóa - dịch vụ, qua đó chỉ ra rằng nền kinh tế Mỹ có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực hơn bất kỳ quốc gia nào khác.
Mức thuế quan mới nhiều khả năng sẽ khiến chi phí nguyên liệu nhập khẩu vào Mỹ tăng cao, từ đó làm cho giá thành sản phẩm của các công ty Mỹ trở nên đắt đỏ, mất tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, nguy cơ bị áp thuế trả đũa từ các quốc gia khác cũng có thể làm suy giảm xuất khẩu của Mỹ, đe dọa việc làm và thu nhập của hàng triệu người lao động.
GDP chịu tác động nặng nề
Tính toán dựa trên mô hình phỏng đoán của ông Vass dự báo GDP của Mỹ sẽ giảm 438,4 tỷ USD (1,45%) nếu các quốc gia khác đáp trả bằng các biện pháp thuế quan tương đương.
Tổn thất này tác động trực tiếp đến đời sống người dân, với thu nhập trung bình của mỗi hộ gia đình Mỹ giảm 3.487 USD mỗi năm. Đây là mức giảm cao nhất so với bất kỳ quốc gia nào tham gia vào cuộc chạy đua thương mại này.
Các doanh nghiệp Mỹ sẽ phải đối mặt với chi phí sản xuất gia tăng do nguyên liệu nhập khẩu bị đánh thuế cao hơn. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến các ngành sản xuất công nghiệp mà còn tác động đến lĩnh vực dịch vụ, vốn phụ thuộc lớn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tổng thống Trump phát biểu tại Nhà Trắng về hệ thống thuế mới. Ảnh: Reuters.
Không chỉ các doanh nghiệp, người tiêu dùng Mỹ cũng sẽ chịu áp lực lớn từ mức giá hàng hóa leo thang. Các mặt hàng nhập khẩu thiết yếu, từ linh kiện điện tử đến hàng tiêu dùng, đều tăng giá, kéo theo sự suy giảm sức mua và ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế nội địa.
Một trong những hậu quả đáng lo ngại nhất của chính sách thuế mới là sự sụt giảm mạnh trong xuất khẩu của Mỹ. Khi các đối tác thương mại lớn như Canada, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc áp thuế đối ứng, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Mỹ như nông sản, thiết bị công nghệ và ôtô sẽ mất lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Canada, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Mỹ, đã tuyên bố sẽ áp thuế tương đương đối với hàng hóa Mỹ, khiến các doanh nghiệp xuất khẩu Mỹ đối mặt với nguy cơ mất thị trường quan trọng.

Canada nhanh chóng phản hồi chính sách thuế nhập khẩu mới từ phía Mỹ. Ảnh: Reuters.
"Chúng tôi không thể duy trì mức giá cạnh tranh nếu thuế quan tiếp tục gia tăng. Rất nhiều công ty đang cân nhắc việc cắt giảm nhân sự hoặc chuyển sản xuất ra nước ngoài", tờ Conversation UK dẫn lời một công ty xuất nhập khẩu ở California cho biết.
Những hệ lụy nói trên được dự báo sẽ kéo theo tình trạng mất việc làm trong các ngành liên quan đến xuất khẩu, khiến nhiều người lao động Mỹ khó khăn.
Theo các chuyên gia kinh tế, hàng triệu lao động trong lĩnh vực sản xuất, vận tải và hậu cần sẽ đối mặt với nguy cơ thất nghiệp nếu thuế quan tiếp tục làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Mỹ sẽ thiệt hại kinh tế ngay cả khi không bị trả đũa
Một kịch bản khác được phân tích là nếu các quốc gia khác không đáp trả bằng thuế quan, nền kinh tế Mỹ vẫn sẽ chịu tổn thất đáng kể. Trong trường hợp này, GDP Mỹ vẫn giảm 149 tỷ USD (0,49%), chủ yếu do chi phí sản xuất tăng và giá tiêu dùng cao hơn.
Mô hình kinh tế do ông Vass cũng cho thấy rằng khi các quốc gia khác không đáp trả, tổng GDP của phần còn lại trên thế giới giảm 155 tỷ USD, cao hơn mức giảm khi có trả đũa. Điều này chứng minh rằng việc trả đũa thuế quan có thể giúp các nước giảm thiểu tổn thất song đồng thời lại khiến tình hình kinh tế Mỹ trở nên tồi tệ hơn.
Dù được thiết kế nhằm tái cân bằng cán cân thương mại, hệ thống thuế quan của chính quyền Tổng thống Trump được dự báo sẽ phản tác dụng, khiến chính nền kinh tế Mỹ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Với mức GDP giảm 438,4 tỷ USD, chi phí sản xuất tăng cao, giá cả leo thang và nguy cơ mất việc làm lan rộng, chính sách này có thể trở thành một con dao hai lưỡi đối với sự phục hồi kinh tế Mỹ trong tương lai.